Phan Thanh Dũng

Nội Dung Bài Viết

5 việc cần làm để giao tiếp giữa cha mẹ và con cái hiệu quả hơn

Chúng ta thường tập trung, dành nhiều thời gian để tìm cách giao tiếp tốt hơn với mọi người. Cụ thể là bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng, đối tác… Khi ra ngoài xã hội, bạn luôn cố gắng để tạo thiện cảm, trở thành một người thân thiện, cởi mở, hiểu biết. Bạn tìm cách nói chuyện sao cho thu hút, thuyết trình sao cho hiệu quả. Có lẽ vì vậy mà chúng ta thường bỏ qua, lơ đi, không quan tâm, hay tặc lưỡi về cách để giao tiếp với các thành viên trong gia đình, giao tiếp giữa cha mẹ và con cái.

Cái cây không chăm sóc sẽ dần héo mòn. Mối quan hệ trong gia đình không quan tâm, vun đắp sẽ tan vỡ. Giao tiếp chính là sợi dây để liên kết gia đình, kết nối cha mẹ và con cái. Nhưng có lẽ vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, vì những bận tâm đến mối quan hệ xã hội khác mà chúng ta chưa thực sự tập trung vào điều quan trọng nhất.

Vậy làm cách nào để mỗi bậc cha mẹ có thể giao tiếp với con của mình tốt hơn? Tất cả chỉ trọn vẹn trong một chữ: Hiểu

Tôi là một chuyên gia đào tạo về giao tiếp, thuyết trình. Không phải là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục con cái hay tâm lí cá nhân. Do vậy, ở bài viết này, tôi sẽ chia sẻ đến bạn cách giúp cho việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái trở nên hiệu quả hơn dựa trên góc nhìn của chính tôi.

Giao tiếp giữa cha mẹ và con cái quan trọng như thế nào

1. Giao tiếp giữa cha mẹ và con cái quan trọng như thế nào?

Nếu bạn nghĩ giao tiếp với con cái của mình là trò chuyện cùng chúng thì bạn đang mắc sai lầm trầm trọng đấy. Bởi vì mỗi tương tác bạn có với con bạn là một hình thức giao tiếp. Đó không chỉ là những gì bạn nói. Mà còn là giọng nói, cử chỉ, ánh mắt… và những cái ôm hay nụ hôn mà bạn dành cho con. Tất cả đều truyền đạt thông điệp tích cực, tiêu cực, hay cực đoan… đến con bạn.

Cách bạn giao tiếp với con mình không chỉ nuôi dưỡng mối quan hệ tình cảm, kết nối các thành viên trong gia đình bền chặt. Mà còn dạy cho con cách giao tiếp với người khác, định hình sự phát triển cảm xúc. Và là cách xây dựng các mối quan hệ sau này trong cuộc sống.

Chắc chắn, một gia đình giao tiếp tốt sẽ là nền tảng cho sự tăng trưởng và sự phát triển toàn diện của trẻ.

2. Lắng nghe là cầu nối để giao tiếp giữa cha mẹ và con cái hiệu quả

Không phải ngẫu nhiên mà tôi luôn đề cao việc lắng nghe tích cực trong giao tiếp. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thì lắng nghe lại càng nên được chú trọng. Bởi vì cha mẹ và con cái luôn có sự khác biệt về tư duy, suy nghĩ, nhân sinh quan…. Từ đó tạo nên khoảng cách thế hệ. Nếu không lắng nghe, đôi bên sẽ khó lòng mà thấu hiểu.

Hãy nhớ lại xem, có khi nào đứa trẻ đang muốn kể cho bạn nghe câu chuyện của nó ở trường học. Nhưng mắt của bạn lại không hề rời khỏi chiếc điện thoại hoặc tivi. Bạn ờ, ờ, vậy hả… cho qua chuyện. Chắc chắn, lần sau, khi có điều gì muốn nói, có câu gì muốn hỏi, đứa trẻ đó sẽ không nói với bạn nữa. Vì bạn không lắng nghe.

Muốn lắng nghe con cái hiệu quả, cha mẹ cần dành toàn bộ sự chú ý của mình đến con.

Hãy loại bỏ những phiễn nhiễu xung quanh, chẳng hạn công việc đang làm dở, tắt điện thoại, ti vi. Nếu không gian quá ồn cho việc giao tiếp, hãy chọn một không gian khác. Nếu công việc không thể dừng lại, hãy hẹn con một thời gian cụ thể, nói rõ lí do. Chẳng hạn, bây giờ mẹ đang bận xác minh thông tin với khách hàng, con có thể đợi mẹ 10 phút nữa được không?

Khi lắng nghe con nói, các bậc cha mẹ cần duy trì giao tiếp bằng mắt. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm thực sự đến những gì con nói. Hơn nữa, đừng xen vào hay làm gián đoạn. Tuyệt đối tránh phán xét và kết luận vội vàng khi chưa nghe hết câu chuyện. Hãy nghe cho ra nghe. Điều này khiến giao tiếp giữa cha mẹ và con cái cởi mở, dễ thở hơn.

Nếu con chưa nói hết, hoặc cha mẹ chưa đặt mình vào con để hiểu mà đã phán xét, trách móc thậm chí là la mắng. Thì tuyệt nhiên đứa trẻ đó sẽ dè chừng, đề phòng, không thành thật trong bất cứ lời nói nào với bạn.

Ngoài ra, cha mẹ có thể đặt thêm một số câu hỏi mở để hiểu rõ những gì con nói. Hoặc để con tự phân tích nguyên nhân, hệ quả của sự việc.

Xem thêm: Cách đặt câu hỏi hiệu quả để có được thông tin và duy trì cuộc trò chuyện

                  9 chiến lược để lắng nghe hiệu quả từ chuyên gia

Bạn biết không, đôi khi con của bạn có thể chỉ cần cha mẹ lắng nghe chúng. Mà không cần phải giải quyết vấn đề ngay lập tức. Chỉ cần lắng nghe để con tâm sự, giãy bày thôi cũng đủ để con cảm thấy an lòng rồi. Khi bạn lắng nghe con một cách tích cực, con sẽ nhận thấy cha mẹ thực sự muốn lắng nghe. Từ đó cởi mở và giao tiếp với cha mẹ nhiều hơn.

3. Thấu hiểu – chìa khóa giúp giao tiếp giữa cha mẹ và con cái tốt hơn

Thấu hiểu, đồng cảm tức là bạn đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh, trường hợp của con để hiểu cho con. Dù trẻ làm gì, có những hành động nào, cha mẹ không nên tự suy đoán suy nghĩ của con dựa trên suy nghĩ của mình. Hãy chủ động hỏi con tại sao làm như vậy. Bởi vì cách nhìn, cách nghĩ của cha mẹ và con cái sẽ có sự khác biệt.

Để thấu hiểu con, bạn cần kiên nhẫn và dành nhiều thời gian hơn cho con. Bằng cách quan sát đa chiều, lắng nghe tích cực hay tham gia cùng con trong các hoạt động.

Nếu cha mẹ tinh tế, việc để ý, để tâm đến con qua các tín hiệu phi ngôn ngữ có thể giúp cha mẹ hiểu con cái của mình hơn. Chẳng hạn nét mặt, giọng nói, hành động… Những tín hiệu này có thể cung cấp những hiểu biết về cảm xúc, tình cảm của con. Từ đó, cha mẹ tìm cơ hội để trò chuyện, tăng hiệu quả trong giao tiếp giữa cha mẹ và con cái.

Cùng với đó, cha mẹ cần nhận ra rằng mỗi đứa trẻ là duy nhất và có cá tính, điểm mạnh và thách thức riêng. Tôn trọng cá tính của con. Tránh so sánh với con nhà người ta hoặc áp đặt những kỳ vọng có thể không phù hợp với khả năng hoặc sở thích của con.

Hiện nay nhiều đứa trẻ đang gánh trên lưng ước mơ của cha mẹ, bị áp đặt. Thậm chí nhiều đứa trẻ đi trên con đường cha mẹ đã vạch sẵn, không có lựa chọn, không được đưa ra chính kiến. Cần nhớ rằng, bạn không thể sống đời bên con. Hãy để con tự quyết định tương lại, cuộc đời của chính mình.

Thấu hiểu - chìa khóa giúp giao tiếp giữa cha mẹ và con cái tốt hơn

4. Dành thời gian cho con

Nếu để mỗi bậc cha mẹ nhìn nhận lại điều gì là quan trọng với họ trong cuộc đời. Tiền bạc, công danh, sự nghiệp, gia đình, con cái… Chắc chắn họ sẽ lựa chọn con cái.

Nhưng, ngẫm lại, thời gian cha mẹ dành cho con cái là bao nhiêu giữa những thứ không quan trọng bằng kia?

Những điều tốt đẹp khi dành thời gian cho con thì chắc chắn ai cũng biết. Nhưng mấy ai làm được?

Thực ra, không có gì khó. Mặc dù bạn bận bịu trăm công nghìn việc nhưng nếu biết cách sắp xếp thời gian thì mọi thứ đều ổn thỏa. Tôi tin rằng, với tình yêu của mình, cha mẹ sẽ có những lựa chọn, kế hoạch cho những đứa con.

5. Tập trung vào hành vi, không phải con người cá nhân

Một trong những sai lầm khi giao tiếp với con cái mà các bậc làm cha làm mẹ hay gặp phải là không tập trung vào hành vi mà chú ý đến con người cá nhân của con.

Chẳng hạn, con vô tình làm vỡ cái bát. Cha mẹ mắng con hậu đậu, không được tích sự gì, chuyện gì cũng làm hỏng.

Khi bị mắng như vậy, đứa trẻ sẽ rất buồn. Không chỉ buồn vì hành động làm vỡ bát mà còn buồn về bản thân con. Lâu dần, chúng nghe nhiều những lời công kích con người cá nhân như vậy giống như bị tự kỉ ám thị. Con cái của bạn sẽ tự cho mình là một đứa vô tích sự, làm gì cũng hỏng….

Vì vậy, khi con gặp bất cứ vấn đề gì, thay vì chỉ trích vào con người, tính cách của con, cha mẹ chỉ nên nhận xét về hành vi ấy mà thôi. Cách làm này giúp con hiểu mọi người đều phạm sai lầm, và đó là hành vi cần sửa chữa, chứ không phải giá trị hay tính cách vốn có của họ.

Chính cách cư xử của bạn với con sẽ dạy con ứng xử với các tình huống cụ thể trong cuộc sống. Cũng như cách giao tiếp với mọi người.

6. Thích ứng phong cách giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi

Mỗi đứa trẻ là một phiên bản đặc biệt và duy nhất. Chúng không giống nhau cho nên bạn cần thực sự hiểu con của mình để cải thiện giao tiếp giữa cha mẹ và con cái.

Có những đứa trẻ là mang nét tính cách của người hướng ngoại.

Chúng thích được trò chuyện, bày tỏ quan điểm của mình thẳng thắn. Những đứa trẻ này có gì trong lòng cũng dễ dàng bộc lộ. Vì thế mà chúng có thể sử dụng từ ngữ ngắn gọn, nói ra những suy nghĩ mà không cần suy nghĩ hay đắn đo nhiều.

Đối với những đứa trẻ có nét tính cách này, cha mẹ cần lắng nghe chăm chú và cho con có cơ hội thể hiện bản thân. Đồng thời, hãy trả lời một cách thẳng thắn, sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, súc tích. Nhớ rằng, cha mẹ cần tránh làm gián đoạn hoặc chuyển hướng cuộc trò chuyện. Hãy để con bày tỏ đầy đủ suy nghĩ của mình.

Trái với hướng ngoại là hướng nội. Tức là con của bạn mang những nét tính cách của người hướng nội.

Chúng trầm tính hơn, muốn tập trung, yên tĩnh, không gian riêng. Những đứa trẻ này ít nói hơn. Chúng thường dè dặt hơn trong việc bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ. Con thích lắng nghe và quan sát.

Vậy thì, cha mẹ cần hiểu con. Tạo ra môi trường an toàn, không phán xét để con cảm thấy thoải mái thể hiện bản thân. Hơn nữa, hãy cho con không gian và thời gian để cởi mở dần. không hối thúc hay gây áp lực lên con. Một khi con đã nói tức là con đã suy nghĩ rất kĩ. Cha mẹ cần lắng nghe với sự kiên nhẫn và đồng hành.

Xem thêm: 10 lời khuyên tốt nhất để giao tiếp với người hướng nội

Ngoài hai xu hướng tính cách hướng nội và hướng ngoại, bạn có thể tìm hiểu thêm những phong cách giao tiếp khác. Chẳng hạn giao tiếp biểu cảm, giao tiếp giàu trí tưởng tượng.

Cần nhớ rằng, những phong cách giao tiếp này có thể thay đổi tùy theo từng giai đoạn phát triển của con. Cho nên, cha mẹ điều chỉnh bằng cách quan sát, kiên nhẫn và phản ứng nhanh.

Lời kết 5 việc cần làm để giao tiếp giữa cha mẹ và con cái hiệu quả hơn

Điều quan trọng nhất để việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái hiệu quả hơn đó là cha mẹ cần hiểu con của mình. Hiểu thì mới áp dụng những cách giao tiếp cho phù hợp với con. Chỉ cần dành thời gian bên con nhiều hơn bạn sẽ thấy con của mình thú vị và hiểu chuyện.

Để hiểu sâu hơn về những kĩ năng cơ bản nhất nhằm cải thiện khả năng giao tiếp của mình, bạn có thể theo dõi Blog của tôi. Tại đây, tôi chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân với mục đích giúp mọi người giao tiếp tốt cho cuộc sống thăng hoa.

Nếu có bất kì câu hỏi hay trao đổi nào, hãy để lại bình luận ở dưới. Tôi sẽ phản hồi bạn trong thời gian sớm nhất.

Phan Thanh Dũng
Phan Thanh Dũng

Pro Coach Thuyết Trình - Người đầu tiên đã tìm ra "long mạch thuyết trình" và công thức "hoạt ngôn". Cha đẻ lớp học Giải phóng ngôn từ và chương trình huấn luyện Siêu diễn đạt

All Posts
  • Hey Bạn, tên tôi là Phan Thanh Dũng. Tôi đam mê giúp người khác tự tin hơn nhờ chinh phục kỹ năng thuyết trình để tự tin nói chuyện trước đám đông, trước camera ống kính và người lạ.
  • Giáo trình đào tạo của tôi không hướng người học đến việc làm MC như các chuyên gia khác, nội dung mà tôi đào tạo là giúp người học chinh phục kỹ năng thuyết trình để ứng dụng vào trong công việc, giao tiếp đời thường và bán hàng chứ không phải MC sự kiện hay đứng sân khấu.
  • Tôi tập trung vào yếu tố cốt lõi “giúp học viên từ gốc” đó là giúp họ bước đầu giải phóng ngôn từ sau đó là điễn đạt một cách lưu loát, súc tích, thuyết phục rồi mới đến việc học các kỹ thuật thuyết trình để thu hút hơn.
  • Tôi vô cùng tự hào giới thiệu đến bạn lộ trình Siêu Diễn Đạt 4.0 , hành trình biến ước mơ của bạn thành sự thật.

1 thought on “5 việc cần làm để giao tiếp giữa cha mẹ và con cái hiệu quả hơn”

  1. Con em 30 tuoi roi thay a , cung vấp Nga nhieu nhưng dã trở lai , gio ngay di làm về là gêm điện thoai …em cung da nhieu lan lắng nghe chi bao con các hướng nhưng con khong nghe .. và noi ăn choi là sở thích hiển nhien. Giờ già phải nuoi trẻ …sau no se hưởng thu các cai bố me cho la đủ
    Thoi 4.0 em da gui cho con rất nhieu video co ich ( toi tai gioi ban cung the gui nhieu roi , va một so video phat trien tâm thức ) con khong tien trien noi thi gạt
    Vi chau co nhieu nguoi khác dạy khong phai e , chau chi muon dựa dẫn ..,

    Reply

Leave a Comment

Tôi đã dành hơn 2 năm nghiêm túc tìm kiếm “Long Mạch Thuyết Trình”  để chinh phục kỹ năng thuyết trình. Tôi đã tìm ra cách thức “mới” phá vỡ các cách luyện tập truyền miệng “không hiệu quả” ngoài kia như đọc thêm sách, luyện nói trước gương…

Từ năm 2019 đến nay, tôi đã tổ chức hơn 140+ lớp học miễn phí với hơn 50.000+ đăng ký tham gia nhằm chia sẻ “Long Mạch Thuyết Trình” đến với cộng đồng.

Hiện nay tôi cực kỳ tự hào vì mình đã hệ thống hóa được trong tay lộ trình luyện tập qua online siêu hiệu quả giúp những ai thật sự muốn chinh phục kỹ năng thuyết trình dù người đó bận 18 tiếng một ngày, đó là “Siêu Diễn Đạt 4.0