Trong cuộc sống hàng ngày, xung đột như một phần tất yếu của con người. Không chỉ xảy ra tại nơi làm việc, xung đột đến với bạn bất cứ khi nào trong cuộc sống cá nhân. Nếu đang đọc những điều này, có lẽ bạn đã trải nghiệm nó. Và không có gì chắc chắn xung đột không xảy ra với bạn một lần nữa trong tương lai. Điều chúng ta cần làm là làm sao để tránh xung đột, và cách để giải quyết xung đột hiệu quả nhất.
Sự thật, để giải quyết các xung đột không phải nhiệm vụ khó khăn. Bởi thực tế, hầu hết xung đột đều bắt nguồn từ việc chúng ta giao tiếp không hiệu quả. Do đó, chìa khóa để xử lí chúng tốt nhất vẫn là giao tiếp. Cụ thể là giao tiếp hiệu quả.
Có câu “Họa từ miệng mà ra”. Nhưng cũng có câu “Phúc từ miệng mà vào”. Tốt hay xấu, thuận lợi hay khó khăn đều là do cách chúng ta ứng xử với cuộc đời.
1. Hiểu về xung đột: Nguyên nhân và tác hại
Xung đột thường phát sinh do các cá nhân có sự khác biệt về suy nghĩ, sở thích, yêu cầu… Đó có thể là xung đột về tình cảm, lợi ích, sự cạnh tranh về nguồn lực. Xung đột có thể xảy ra do sự khác biệt về niềm tin, giá trị, tranh giành quyền lực,… Đặc biệt rất nhiều xung đột nảy sinh là do hiểu lầm và giao tiếp sai.
Cần hiểu giao tiếp kém là gốc rễ, nguồn cơn cho hầu hết các xung đột. Nó là chất xúc tác cho các bên lao vào xung đột.
Và bạn biết đấy, hậu quả mà xung đột để lại không hề nhỏ. Nếu không muốn nói đến sự trầm trọng của nó. Xung đột gây tổn hại về cảm xúc, thể chất, thiệt hại tài chính, gây đổ vỡ các mối quan hệ, gia đình, cộng đồng. Hơn nữa, xung đột còn tổn hại đến tổ chức. Đó là giảm năng suất, vắng mặt và doanh thu của nhân viên, dẫn đến tổn thất tài chính cho tổ chức….
Nhìn chung, tác hại do xung đột gây ra có thể rất lớn và lâu dài. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta cần học cách quản lý và giải quyết xung đột hiệu quả.
2. Các chiến lược giải quyết xung đột
Hiểu được nguyên nhân dẫn đến xung đột chúng ta mới biết cách để đưa ra các chiến lược giải quyết nó. Giao tiếp là cách hữu hiệu nhất để xoa dịu sự căng thẳng này. Nhưng giao tiếp như thế nào để giải quyết xung đột mới là điều quan trọng.
Dưới đây là 6 chiến lược sử dụng giao tiếp để hóa giải những bất đồng và căng thẳng đó hiệu quả nhất.
2.1. Lắng nghe tích cực là liều thuốc giải quyết mọi xung đột
Đây là cách giúp tránh và đồng thời cũng là cách giải quyết xung đột tốt nhất. Có thể do bạn không tập trung lắng nghe, nghe không đến nơi đến chốn. Việc này dẫn tới không hiểu ý của người nói. Từ đó gây ra hiểu nhầm rồi xung đột.
Trong cuộc sống có quá nhiều sự việc xung đột đến từ việc không lắng nghe tích cực. Hoặc là nhiều người chỉ nghe từ một phía rồi vội kết luận, phán xét. Lại có người thích “cầm đèn chạy trước ô tô”, nghe chưa kĩ câu chuyện đã mang đi kể cho người khác. Dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Do đó, một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong giải quyết xung đột là lắng nghe tích cực. Điều này liên quan đến việc bạn dành toàn bộ sự chú ý cho người khác và thực sự cố gắng hiểu quan điểm của họ. Bạn có thể chứng minh rằng bạn đang tích cực lắng nghe bằng cách giao tiếp bằng mắt, gật đầu và diễn giải những gì họ đang nói. Đây là 9 chiến lược để lắng nghe hiệu quả từ chuyên gia. Bạn có thể tham khảo để biết cách lắng nghe tốt hơn. Từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.
2.2. Đặt bản thân vào hoàn cảnh, trường hợp của đối phương để đồng cảm, thấu hiểu
Nhiều tình huống xung đột lại đến từ những cách hiểu, cách nghĩ, cách cảm quan cuộc sống khác nhau của mỗi người. Chúng ta chưa rơi vào những trường hợp như vậy thì khó hiểu được đối phương. Khi và chỉ khi đặt bản thân vào hoàn cảnh, trường hợp của người khác. Bạn mới dễ dàng hiểu cho những hành động, việc làm của họ.
Cách để đặt bản thân vào vị trí của người khác là dừng lại và tìm hiểu một chút. Hãy tự hỏi bản thân: tại sao họ lại cư xử như vậy? Tôi sẽ làm gì nếu tôi ở trong vị trí của họ?
Thay vì tranh luận, hãy dừng lại và có thể thể hiện sự đồng cảm bằng cách thừa nhận cảm xúc của người khác. Hơn nữa, hãy cho thấy rằng bạn quan tâm đến quan điểm của họ. Chẳng hạn, nói những câu như: “Tôi có thể hiểu tại sao bạn cảm thấy như vậy” hoặc “Có vẻ như bạn thực sự thất vọng với tình huống này”.
Khi bạn thể hiện sự đồng cảm, điều đó có thể giúp giảm xung đột và tìm thấy điểm chung.
2.3. Bắt đầu bằng chủ ngữ “Tôi”: việc nên làm để giải quyết xung đột
Khi giao tiếp trong một cuộc cuộc xung đột, thông thường mọi người có xu hướng quy trách nhiệm cho đối phương. Chẳng hạn “Bạn luôn phớt lờ ý kiến của tôi”. Câu nói “bạn” có thể bị coi là đổ lỗi hoặc buộc tội. Trong khi câu nói “tôi” có thể giúp thể hiện quan điểm của riêng bạn mà không tấn công người khác. Đổi lại, bạn nên nói “Tôi cảm thấy khó chịu khi ý kiến của mình không được lắng nghe”.
Cách nói bằng chủ ngữ “tôi” sẽ thể hiện được quan điểm, cảm giác của bạn mà không tấn công hay chỉ trích người khác.
Khi bắt đầu bằng chủ ngữ “tôi” thay vì “bạn”, người nghe cũng sẽ hiểu được những cảm giác của bạn. Và có thể đây là chìa khóa để họ dịu cái tôi của mình xuống. Từ đó đồng cảm với bạn. Đây chính là cách để gỡ nút thắt cho hầu hết các xung đột.
2.4. Nói một cách tôn trọng và tránh từ ngữ tiêu cực
Đa số khi ở trong một cuộc xung đột, cái tôi của bên nào cũng được đẩy lên cao. Trong những tình huống căng thẳng như thế, chúng ta rất dễ buông ra những câu nói thiếu tôn trọng. Nói những từ ngữ tiêu cực, thậm chí là chỉ trích, xúc phạm đối phương. Hậu quả tệ hại sẽ đến rất nhanh.
Cho nên, điều quan trọng là phải duy trì sự tôn trọng đối với người khác. Tránh sử dụng ngôn ngữ tiêu cực, đổ lỗi hoặc tấn công người khác hoặc đưa ra các giả định. Thay vào đó, hãy cố gắng tập trung vào việc tìm ra giải pháp phù hợp cho cả hai bên.
Ngôn ngữ tiêu cực có thể làm leo thang xung đột và gây khó khăn cho việc tìm kiếm điểm chung. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc sử dụng ngôn ngữ tích cực, không đe dọa và tôn trọng. Ví dụ: “Tôi sẽ đánh giá cao nếu chúng ta có thể tìm ra giải pháp phù hợp với cả hai chúng ta”.
2.5. Thừa nhận và không né tránh vấn đề
Khi xảy ra xung đột, đừng né tránh nó. Hãy thừa nhận xung đột đang xảy ra. Điều này giúp bạn và đối phương nhìn thẳng vào vấn đề để cùng nhau giải quyết.
Hơn nữa, khi lảng tránh một vấn đề quá lâu nó cũng không thể hết được. Ngược lại, nó có xu hướng trở nên trầm trọng hơn và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Khi giải quyết càng sớm các xung đột thì có thể chấm dứt những căng thẳng trong các mối quan hệ. Rõ ràng bạn cũng sẽ thoải mái hơn nếu không vướng mắc trong bất cứ xung đột nào.
2.6. Tìm điểm chung để hợp tác
Thực ra, có rất nhiều xung đột diễn ra khi tranh luận một vấn đề nào đó, công việc chẳng hạn. Thay vì đối lập về quan điểm hay ý tưởng, bạn hãy nghĩ đến mục tiêu của tất cả các tranh luận là gì? Nếu hai bên cùng chung một mục tiêu thì cách tốt nhất là hợp tác.
Hợp tác bao gồm làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp đáp ứng nhu cầu của mọi người. Cách tiếp cận này có thể hiệu quả hơn là cố gắng chiến thắng cuộc xung đột. Hoặc nhượng bộ trước yêu cầu của người khác. Khi hợp tác, hãy tập trung vào việc tìm ra điểm chung và động não đưa ra các giải pháp sáng tạo đáp ứng nhu cầu của cả hai bên.
Lời kết
Cách tốt nhất để không phải giải quyết xung đột là tránh để nó xảy ra. Và tất nhiên, khéo giao tiếp lại giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt.
Giải quyết xung đột là một quá trình. Có thể mất thời gian và công sức để tìm ra giải pháp phù hợp với tất cả mọi người. Bằng cách sử dụng các chiến lược giao tiếp hiệu quả như lắng nghe tích cực, đồng cảm và hợp tác, bạn có thể giải quyết xung đột theo cách tôn trọng và hiệu quả.
Nếu chưa biết cách hoặc chưa xử lí được những xung đột bạn đang gặp phải. Hãy để lại bình luận hoặc đặt lịch tư vấn. Tôi sẽ phản hồi bạn trong thời gian sớm nhất.