Triết gia người Hy Lạp Plato đã từng nói “sự bắt đầu là phần quan trọng nhất của công việc”. Với thuyết trình cũng vậy, phần khó nhất là mở đầu. Những từ đầu tiên bạn nói sẽ quyết định phản ứng của khán giả đối với thông tin được trình bày và phần trình diễn của bạn. Hiểu đúng cách để bắt đầu một bài thuyết trình sẽ giúp bạn thu hút sự chú ý của khán giả và chuẩn bị cho họ những điều tiếp theo. Nội dung hôm nay chúng ta sẽ thảo luận về các cách khác nhau để có phần mở đầu bài thuyết trình hấp dẫn, thu hút khán giả.
I. Tại sao phần mở đầu bài thuyết trình cần phải hấp dẫn, thu hút?
Những khoảnh khắc đầu tiên mở đầu bài thuyết trình sẽ là yếu tố quyết định sự thành công cho phần trình bày của bạn. Nên dù có gọn gàng, chỉn chu tới đâu thì nó cũng là một vấn đề lớn.
Vì vậy, biết cách mở đầu phần thuyết trình là rất quan trọng. Nếu bài trình bày hay, hấp dẫn sẽ thu hút người xem đến tận cuối cùng. Mang cho họ những trải nghiệm, những kiến thức mới mẻ. Ngược lại, với phần mở đầu nhàm chán sẽ khiến cho khán giả lơ đễnh, không có hứng thú để nghe.
Hầu hết mọi người đều bắt đầu phần biểu diễn của mình với một công thức rập khuôn: “Xin chào các bạn, tôi tên là…, tôi đang làm…. Hôm nay tôi sẽ mang đến cho các bạn phần nội dung chủ đề…”. Hay các mô tip quen thuộc khác như: chào hỏi, cảm ơn, hắng giọng, chỉnh mic, giới thiệu ngay vào bài…
Bạn thấy mình đâu đó trong đây. Tôi của trước kia cũng từng như vậy. Và với nhiều năm chinh chiến trong nghề đã cho tôi trải nghiệm được nhiều hơn. Tôi nhận ra rằng để trình bày nội dung chủ đề của mình không khó. Nhưng để khán giả thấy thú vị, hấp dẫn và sau đó họ nhận được những gì từ phần trình bày của tôi, đó mới là điều quan trọng.
Hiểu và trăn trở về điều đó, nội dung bài viết hôm nay tôi sẽ chỉ cho bạn cách có thể làm cho phần mở đầu được hấp dẫn. Làm cho khán giả không thể rời mắt khỏi nội dung mà bạn đang trình bày.
II. Những cách làm cho phần mở đầu bài thuyết trình hấp dẫn
1. Mở đầu bằng một câu chuyện
Đây là cách mở đầu thu hút được sự chú ý và tập trung cao độ của khán giả. Vì lẽ thường, con người luôn bị hấp dẫn bởi những câu chuyện.
Về cách kể chuyện trong thuyết trình, tôi đã có chia sẻ một bài viết rất chi tiết. Bạn có thể đọc ngay tại đây.
Kể chuyện về lịch sử – cách mở đầu thuyết trình đáng thử
Các sự kiện lịch sử nổi tiếng là những điểm tham chiếu tốt. Vừa để minh họa một điểm, vừa để thu hút khán giả sử dụng trí tưởng tượng của họ.
Giả sử bạn đang trong một buổi nói chuyện với các em nhỏ cấp 1 về chủ đề lòng yêu nước. Bạn sẽ bắt đầu câu chuyện như thế nào? Bạn nói về chiến tranh biên giới, về súng đạn, sự kiện này kia… Các em đang rất nhỏ, không thể hiểu được những thứ to lớn ngoài kia? Thay vì như thế hãy kể câu chuyện về Thánh Gióng: “ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ… có chàng Gióng anh dũng…”. Điều này sẽ kích thích trí tò mò của các em, và sau đó bài trình bày của bạn sẽ bắt đầu.
Tương tự như vậy với những buổi thuyết trình khác bạn có thể bắt đầu với một câu chuyện nào đó. Nó sẽ cung cấp cho bạn một chủ đề trung tâm. Những câu chuyện kết nối từng phần nội dung bạn đang trình bày. Từ câu chuyện ban đầu bạn sẽ triển khai ý tưởng của mình một cách thông suốt.
Những câu nói đùa – gợi ý tốt để có mở đầu bài thuyết trình hấp dẫn
Tiếng cười đã được chứng minh là làm tăng trí nhớ ngắn hạn. Nếu bạn muốn khán giả ghi nhớ những điểm chính của mình: hãy khiến họ cười.
Khán giả sẽ vô cùng thích thú nếu bạn làm họ cười nhưng phải thận trọng khi sử dụng sự hài hước vì một trò đùa có thể bị hiểu sai và thậm chí xúc phạm khán giả. Chỉ sử dụng trò đùa nếu bạn tự tin là mình làm được và nó đã được thử nghiệm thành công trong quá khứ.
Chia sẻ câu chuyện cá nhân
Trải nghiệm cá nhân là thứ gì đó làm cho người ta cảm thấy hứng thú. Bạn hãy tận dụng nó để tạo ra niềm tin ở khán giả.
Hãy kể cho họ nghe về câu chuyện của bạn để họ biết được lý do tại sao bạn rất đam mê chủ đề được trình bày. Bạn cũng có thể kể một câu chuyện về một người có thể làm gương cho những người khác noi theo. Nếu bạn có thể đưa ra một tuyên bố hoặc một khẳng định táo bạo với câu chuyện được kể, hãy giao tiếp bằng mắt và truyền đạt nó một cách tự tin, nó sẽ thu hút người nghe.
2. Số liệu thống kê
Bạn có thể đưa ra các số liệu thống kê mang tính cá nhân hóa để kích thích trí tò mò của người nghe. Hơn nữa nó đem đến cho họ tác động lớn hơn. Từ đó giúp cho phần mở đầu của bài thuyết trình hấp dẫn hơn. Ví dụ như: trong một buổi trình bày về bảo hiểm nhân thọ, hầu hết khán giả đến đều muốn hiểu rõ về những quyền lợi mình được hưởng khi tham gia. “100% mọi người đều muốn chi trả viện phí ở mức thấp nhất, quyền lợi được hưởng ở mức cao nhất”….
Bạn kết hợp số liệu thống kê với một câu hỏi dẫn dắt. Ví dụ như: “bạn nghĩ có bao nhiêu người trong căn phòng này đã thức dậy vào lúc 5h sáng?”. “Bao nhiêu phần trăm dân số nước ta đọc được 10 cuốn sách trong 1 năm?”… Sự thật càng gây sốc càng làm cho khán giả quan tâm.
Điều mà bạn cần lưu ý là đừng nên lạm dụng số liệu thống kê hoặc sử dụng những số liệu quá phức tạp. Vì như vậy bài của bạn sẽ trở nên dài dòng, khô khan và gây nhàm chán cho khán giả.
3. Trích dẫn thú vị
“Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay” – Gustavơ Lebon.
“Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người.” – Voltaire.
Bạn nghĩ sao khi đọc những câu trích dẫn trên? Có một thứ cảm xúc đặc biệt về việc nên đọc sách hay không. Bạn có thể sử dụng nó cho chủ đề trình bày về sách.
Khi muốn có một phần mở đầu ấn tượng, bạn có thể sử dụng trích dẫn. Nhưng nó phải có ý nghĩa và phù hợp với khán giả cũng như mục đích bài thuyết trình của bạn.
Những câu sáo rỗng không liên quan đến chủ đề trình bày sẽ là nước đi mạo hiểm khiến cho bạn làm mất đi khán giả ngay từ lúc ban đầu.
4. Tương tác với khán giả là cách hay để tạo nên phần mở đầu bài thuyết trình hấp dẫn
a/ Đặt câu hỏi cho khán giả
Bạn có thể tiến hành thăm dò ý kiến khán giả. Hoặc đặt câu hỏi để khiến khán giả suy nghĩ và cảm thấy được quan tâm đến bài thuyết trình của bạn.
Hãy bắt đầu với những câu hỏi dễ hiểu, cơ bản và chuyển sang những câu hỏi phức tạp hơn. Bằng cách này, bạn dẫn dắt khán giả đến chủ đề của bài thuyết trình. Sau đó bạn có thể xây dựng bài thuyết trình của mình dựa trên những câu hỏi.
Với những câu hỏi yêu cầu trả lời trực tiếp
Sẽ kích thích tinh thần cho khán giả. Ví dụ: “tại sao bạn đến với buổi thuyết trình hôm nay?”; “Bạn mong đợi điều gì khi tham gia buổi họp….?”. Bạn sẽ chuyền mic đến một vài người và tìm ra mục đích để dẫn dắt mọi người đến với chủ đề.
Các câu hỏi tu từ
Có tác dụng thuyết phục tuyệt vời. Thay vì trả lời to khán giả của bạn sẽ im lặng bắt đầu suy nghĩ về nó trong suốt bài thuyết trình của bạn.
“Bạn có muốn là người thành công trong thế giới này không?”; “Bạn có muốn là kẻ thất bại trong suốt phần đời còn lại của mình không?”… Với những câu hỏi như thế này, bản thân người hỏi và người nghe thực tế đã ngầm hiểu được câu trả lời. Mục đích chỉ để nhấn mạnh vào một nội dung hoặc khiến cho người được hỏi phải suy nghĩ.
Những câu hỏi khảo sát – là cách mở đầu bài thuyết trình hấp dẫn
Bạn có thể nhờ sự trợ giúp của các phương tiện hỗ trợ trực quan. Kết quả bạn có thể công bố ngay hoặc là đợi kết thúc buổi thuyết trình. Nó vừa thể hiện tính riêng tư, vừa mang lại số liệu để bạn có thể sử dụng cho những lần thuyết trình tiếp theo.
b/ Tổ chức trò chơi và trao phần thưởng
Một trong những điều thú vị, thay đổi không khí của một buổi học, hội nghị hay thuyết trình chính là trò chơi. Nó sẽ giúp bạn và người nghe có sự tương tác. Và tạo cho bầu không khí trở nên sôi động, giúp mọi người trở nên vui vẻ hơn.
Có rất nhiều trò chơi bạn có thể sử dụng như: đúng hoặc sai, đuổi hình bắt chữ, ô chữ, câu đố, câu hỏi lựa chọn… Tùy thuộc vào chủ đề thuyết trình mà bạn tạo ra phần chơi phù hợp.
Và không thể thiếu đó là phần thưởng cho người chiến thắng. Dù ít hay nhiều thì món quà cũng chính là sức mạnh tinh thần mà ta dành cho người giỏi nhất.
5. Bắt đầu với video liên quan đến chủ đề thuyết trình
Video gợi lên phản ứng cảm xúc. Không giống như văn bản và dấu đầu dòng trên trang chiếu, bạn có thể sử dụng con người, hình ảnh và âm thanh để thu hút khán giả, thêm kịch tính và truyền đạt ý chính của thông điệp một cách nhanh chóng.
Ví dụ: hãy bắt đầu buổi giới thiệu sản phẩm với video ghi lại trải nghiệm của những khách hàng đi trước hay những câu chuyện đằng sau nó.
Dù cho có hay đến đâu, thì việc sử dụng đoạn phim cũng chỉ nên dừng ở mức độ nhất định. Vì nếu lạm dụng, nó sẽ khiến cho khán giả bị phân tâm và rời xa phần trình bày của bạn.
6. Sử dụng trí tưởng tượng – Một gợi ý cho phần mở đầu bài thuyết trình hấp dẫn
Bạn yêu cầu mọi người tưởng tượng những thứ liên quan đến chủ đề mà bạn đang trình bày. Ví dụ như: chủ đề là sống lành mạnh. “Nếu bạn tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh mỗi ngày thì sau 1 năm bạn sẽ trở thành một người tràn đầy năng lượng”. Một thân hình khỏe mạnh, vóc dáng mơ ước.
Bạn phải khơi gợi sự tích cực từ khán giả của mình. Cảm xúc là một cách tuyệt vời để đảm bảo rằng mọi người sẽ tiếp tục lắng nghe vì họ đang tham gia vào những gì bạn đang nói.
7. Chỉ ra vấn đề hoặc cơ hội của khán giả
Bạn đã bao giờ nghe câu Gót chân Asin? Đánh vào niềm đau của người khác luôn là cách tốt nhất để đánh bại một ai đó. Với thuyết trình cũng vậy, khán giả đến với bạn là để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề mà họ quan tâm. Vì vậy hãy tìm cách để tạo cho khán giả tin tưởng, nhìn nhận rằng bạn là người mà họ đang tìm kiếm.
Khi nói đúng nỗi đau của khán giả trong những câu đầu tiên, chắc chắn bạn sẽ có một phần mở đầu bài thuyết trình hấp dẫn.
Ví dụ: trong một buổi hội thảo về bán hàng. Mọi người đến với bạn để tìm cách đẩy mạnh doanh thu. Vậy thứ bạn nên trao cho họ là gì? Là cách để có doanh thu hàng trăm, hàng ngàn đơn mỗi ngày, mỗi tháng.
Bạn phải nêu bật được vấn đề ngay từ đầu thì khán giả mới có cơ hội trải nghiệm những kiến thức mà bạn truyền tải và họ sẽ chăm chú lắng nghe.
Cho họ thấy nhiều lợi ích mà họ có thể đạt được bằng cách làm theo sự dẫn dắt của bạn hoặc hành động mà bạn muốn họ thực hiện. Cảm giác lạc quan này có thể kích thích khán giả và khiến họ tương tác khá nhanh.
III. Tổng kết nội dung cách để có phần mở đầu bài thuyết trình hấp dẫn
Sự căng thẳng đôi khi có thể lấn át chúng ta khi thuyết trình. Vì vậy biết chính xác cách bắt đầu bài thuyết trình và những gì bạn sẽ làm trong vài phút đầu tiên có thể giúp bạn giảm bớt sự lo lắng. Tăng mức độ tự tin và thu hút khán giả nhanh hơn.
Những kỹ thuật tôi trình bày ở trên không chỉ áp dụng để có phần mở đầu bài thuyết trình hấp dẫn. Chúng còn có thể được sử dụng trong suốt bài thuyết trình để thu hút và thuyết phục khán giả của bạn. Hãy thử các kỹ thuật khác nhau để tìm ra những gì phù hợp nhất với bạn và thực hành càng nhiều càng tốt.
Bạn có muốn tham gia vào một cộng đồng của những người yêu thích thuyết trình? Cộng đồng luôn chia sẻ và cập nhật những kiến thức, kĩ năng mới nhất về giao tiếp và trình bày trước đám đông? Fan page nghệ thuật truyền đạt do tôi khởi xướng là một nơi như vậy.
Ngoài ra, tôi luôn muốn trao đến nhiều người những giá trị tốt đẹp. Mong muốn của tôi là giúp mọi người giao tiếp tốt hơn. Do vậy tôi dành tặng khóa học MIẾN PHÍ này cho bạn. Hãy đăng kí ngay lớp học Giải phóng ngôn từ để nhận được những bài học kĩ năng tuyệt vời và tốt nhất nhé.