Theo bạn, thế nào là một bài thuyết trình hiệu quả? Đối với tôi, một bài thuyết trình hiệu quả là khi tôi đạt được mục đích thuyết trình của mình. Cụ thể hơn là, khán giả hào hứng, ghi nhớ, và làm theo, thực hiện thông điệp của tôi. Nhưng bạn đừng quên mất rằng, để người nghe hành động theo những gì chúng ta truyền tải hay mong muốn. Ngoài việc có một bài trình bày thu hút, bạn cần phải có thêm lời kêu gọi hành động.
Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần tạo lời kêu gọi hành động như thế nào cho phù hợp với nội dung, bối cảnh, khán giả… Hơn nữa, làm sao để lời kêu gọi thực sự hiệu quả, đánh động được vào cảm xúc và thôi thúc người nghe hành động?
Trong nhiều năm đào tạo học viên, đây là điều khiến tôi suy nghĩ nhiều. Bởi lời kêu gọi hành động giống như chìa khóa để mở những cánh cửa ở phía khán giả. Bài viết này là những hiểu biết và những gì tôi đã thực hành trong các bài nói của mình. Tôi chia sẻ nó. Hi vọng sẽ giúp ích cho bạn.
1. Lời kêu gọi hành động là gì?
Lời kêu gọi hành động là một khái niệm phổ biến được sử dụng trong chiến lược tiếp thị, marketing. Tuy nhiên tôi muốn cụ thể hơn và trong các bài thuyết trình.
Hiểu theo đúng như tên gọi của nó. Lời kêu gọi hành động là văn bản, từ ngữ hay lời nói của bạn nhằm mục đích thúc đẩy người nghe thực hiện một hành động cụ thể nào đó theo mong muốn của bạn. Đó là yêu cầu hay những hướng dẫn để khuyến khích người khác. Đồng thời giúp khán giả nắm bắt được cần làm gì tiếp theo.
Một vài ví dụ để bạn hiểu hơn về lời kêu gọi hành động:
– Trong một quảng cáo bán hàng: Hãy bắt đầu ngay hôm nay bằng cách đăng ký dùng thử miễn phí của chúng tôi và tự mình trải nghiệm những lợi ích.
– Trong một bài thuyết trình gây quỹ từ thiện: Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát. Mỗi sự quyên góp của bạn sẽ đùm bọc được nhiều mảnh đời khốn khó. Hãy chung tay cùng chúng tôi.
– Bài thuyết trình mang tính giáo dục: Áp dụng những gì bạn đã học ngày hôm nay bằng cách kết hợp những chiến lược này vào thói quen hàng ngày của bạn.
– Đối với bài phát biểu chính trị: Hãy bỏ phiếu cho tôi và cùng tôi tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng của chúng ta.
Lời kêu gọi hành động thường xuất hiện ở cuối bản trình bày của bạn.
2. Tầm quan trọng của lời kêu gọi hành động
Lời kêu gọi cung cấp cho khán giả những nhiệm vụ cụ thể để giải quyết. Và những nhiệm vụ này là những nhiệm vụ phải được hoàn thành để đưa ý tưởng của bạn thành hiện thực. Đó là một phần quan trọng giúp bài phát biểu của bạn có sức thuyết phục.
Khán giả có thể hoàn toàn bị thu hút bởi câu chuyện của bạn và bị thuyết phục để tin vào những gì bạn làm. Nhưng nếu họ rời đi mà không biết họ phải làm gì với ý tưởng của bạn, thì bài thuyết trình của bạn về cơ bản sẽ không có kết quả.
Lời kêu gọi hành động kém sẽ làm giảm hiệu quả bài phát biểu của bạn; lời kêu gọi hành động tuyệt vời sẽ khuấy động khán giả của bạn hành động nhiệt tình.
3. Cách thức thúc đẩy lời kêu gọi hành động trong bài thuyết trình
a. Tuân thủ nguyên tắc cụ rõ ràng, đơn giản, cụ thể
Rõ ràng: mục đích chính của lời kêu gọi hành động là nhắc khán giả thực hiện thêm bước đó. Cách tốt nhất để làm điều này là đưa ra một hành động rõ ràng mà bạn muốn khán giả của mình thực hiện.
Đơn giản: ngay cả khi lời kêu gọi của bạn có làm thay đổi cuộc sống của khán giả nhưng mất nhiều thời gian thì họ cũng sẽ không thực hiện nó. Vì vậy hãy đơn giản hóa lời kêu gọi của mình. Càng đơn giản càng tốt, để buộc họ phải hành động ngay lập tức
Ví dụ: Đăng kí ngay lớp học miễn phí để sở hữu những bí kíp thuyết trình chất lượng từ chuyên gia.
Cụ thể: nói cho khán giả của bạn chính xác những gì cần làm. Dù là thời đại công nghệ thông tin nhưng vẫn có nhiều người không rành về thiết bị thông minh. Hoặc là họ muốn có người chỉ từng bước. Bạn nên dành ra một chút thời gian để hướng dẫn cho khán giả những gì họ cần phải làm và lời kêu gọi của bạn sẽ được thực hiện nhanh chóng.
Ví dụ: Để tìm ra trang cá nhân của tôi, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian nếu không có đường link hoặc là tên facebook. Nhưng nếu tôi cho bạn liên kết hoặc mã QR và bạn chỉ cần nhấp vào đó thì sao? Rất dễ dàng đúng không nào. Đó chính là điều tôi muốn nói với bạn.
b. Xác định nội dung bài thuyết trình
Thông điệp mà bạn mang đến cho khán giả trong phần thuyết trình là gì? Những nội dung nào được trình bày để làm nổi bật điều đó. Bạn phải xác định rõ để có thể chuẩn bị một cách tốt nhất từ dàn bài, trang trình chiếu, đến lời kêu gọi mà bạn muốn khán giả thực hiện.
Ví dụ: trong buổi hội nghị về vấn đề môi trường. Thông điệp mà bạn muốn hướng tới là môi trường xanh, sạch, đẹp. Hay một môi trường không có rác thải. Và bạn muốn khán giả bắt tay vào thực hiện ngay. Vậy những việc khán giả có thể làm là gì? Có yêu cầu nào cho những hành động của họ….
Việc xác định mục tiêu rất quan trọng. Vì nó sẽ rút ngắn thời gian cho phần chuẩn bị. Cứ mông lung không xác định được sẽ làm mất của bạn rất nhiều thời gian và phần trình bày của bạn sẽ không hiệu quả.
c. Biết rõ tệp khán giả mà mình hướng tới để đưa ra lời kêu gọi hành động phù hợp
Điều này có thể bạn đã được nghe rất nhiều lần. Nhưng nó là lời khuyên hữu ích khi bạn muốn làm bất cứ thứ gì cần có sự đồng thuận của mọi người.
Biết khán giả của bạn là ai sẽ giúp bạn chuẩn bị một bài thuyết trình gây được tiếng vang với họ. Bạn sẽ biết chính xác phải nói gì để khiến họ chú ý đến bạn. Tốt hơn nữa, bạn biết những gì không nên nói để không vô tình xa lánh họ.
Bạn có thể nghĩ rằng bạn đã có lời kêu gọi hành động hoàn hảo. Nhưng nếu bạn không biết khán giả của mình là ai thì cũng giống như chơi phi tiêu trong bóng tối. Sẽ vô cùng khó khăn để bạn đánh trúng tâm điểm. Và bạn sẽ thấy khó khăn trong việc tạo ra thông điệp phù hợp để khiến mọi người lắng nghe bạn.
Ví dụ: khán giả trong buổi trình bày của bạn về vấn đề môi trường là các em học sinh cấp 1. Bạn không thể kêu gọi các em hành động với những việc làm như dọn rác kênh mương, trồng cây gây rừng. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, việc mà các em nên làm là bỏ rác đúng nơi, không xả rác bừa bãi…
e. Tập trung vào lợi ích của khán giả
Bạn có cảm thấy chúng ta luôn có một tính xấu mà mãi vẫn không sửa được? Chính xác là trong mỗi chúng ta luôn tồn tại sự ích kỉ. Trong nhiều tình huống đều muốn được lợi cho bản thân đầu tiên, rồi đến ai thì đến. Tâm lý này được nhiều nhà bán hàng sử dụng và rất thành công trong việc bán hàng.
Trong thuyết trình cũng vậy. Khán giả đến nghe những thứ họ cần nghe. Nếu không mang đến lợi ích cho họ, họ sẽ chẳng quan tâm bạn là ai, bạn nói những gì. Vì vậy, khi nghĩ đến lời kêu gọi hành động hoàn hảo, hãy nói rõ rằng họ sẽ nhận lại được điều gì đó.
Ví dụ: trong một buổi hội thảo về Bảo hiểm nhân thọ. Hãy nói về lợi ích mà khán giả nhận được khi tham gia bảo hiểm:
- Đảm bảo cho bạn có một nguồn tài chính vững chắc trong một số trường hợp rủi ro không may xảy ra như: mắc bệnh hiểm nghèo, thương tật toàn bộ và thậm chí tử vong. Tham gia bảo hiểm sẽ giúp cuộc sống gia đình bạn ổn định và yên tâm hơn.
- Bảo hiểm nhân thọ là hình thức tích lũy và có kế hoạch. Nó giúp bạn tránh những cám dỗ chi tiêu tùy ý và tập trung vào dự định cho tương lai sau này như: lo cho tương lai học vấn của con, mua nhà, mua xe hay tận hưởng cuộc sống khi về hưu….
Sau khi chỉ ra các lợi ích bạn hãy vẽ một bức tranh về phần thưởng của họ sẽ là gì. Giúp họ dễ dàng nói “có” ngay lập tức.
f. Lời kêu gọi hành động mang tính cấp bách
Một chiến lược mà tôi muốn giới thiệu đến bạn để tạo ra lời kêu gọi mạnh mẽ đó là làm cho nó trở nên khẩn cấp. Hãy nghĩ về cách bạn có thể định vị lời đề nghị của mình như một thứ mà họ không thể từ chối. Nếu bạn đã thực hiện nghiên cứu về tệp khách hàng của mình bạn sẽ biết cách đánh trúng tâm lý của khán giả.
Ví dụ: bạn thường sử dụng Shopee để mua sắm online bạn sẽ thấy có rất nhiều đợt giảm giá, những nút CTA với lời kêu gọi hấp dẫn. Nhiều lúc bạn muốn chần chừ, nhưng nó chỉ có giới hạn trong một thời gian ngắn. Bạn đã không thể ngăn được cám dỗ và bấm nút mua ngay lập tức.
Lời kêu gọi hành động lý tưởng là lời kêu gọi mà khán giả của bạn có thể hành động ngay lập tức. Thậm chí có thể trước khi họ rời khỏi phòng. Nếu điều này không khả thi, thì hãy nhắm đến các hành động có thể hoàn thành (hoặc ít nhất là bắt đầu) một cách hợp lý trong vòng vài giờ hoặc một hoặc hai ngày. Đừng để nó diễn ra quá lâu vì càng mất nhiều thời gian để bắt đầu hành động, khán giả của bạn càng mất động lực.
g. Sử dụng hỗ trợ trực quan
Sử dụng những câu chuyện để kết nối bạn với khán giả. Những câu chuyện luôn có sức hút khó cưỡng trong mỗi buổi thuyết trình. Những câu chuyện truyền cảm hứng mang lại hiệu quả lớn lao hơn ngàn lý thuyết khô khan. Sử dụng sức mạnh của lời nói và cử chỉ để dẫn dắt khán giả đi qua những cảm xúc mà họ cảm thấy khi nghe câu chuyện. Và rồi đưa ra lời kêu gọi hành động buộc khán giả phải thực hiện ngay.
Sử dụng hình ảnh hoặc video có thể giúp lời kêu gọi hành động của bạn hấp dẫn và đáng nhớ hơn.
Khi bạn nhìn vào hình ảnh trên bạn cảm thấy thế nào? Đây là một dự án có ý nghĩa nhân văn cao cả mà chương trình đang hướng tới. Hi vọng rằng dự án sẽ phát triển và lan tỏa rộng hơn nữa.
h. Cung cấp bằng chứng xã hội
Bạn nói bao nhiêu thứ nhưng không có bằng chứng, số liệu cụ thể khán giả cũng sẽ không đặt niềm tin vào bạn. Vì họ không biết bạn đang nói thật hay chỉ là nói suông. Vì vậy điều quan trọng là bạn nên tìm hiểu và đưa ra những dẫn chứng cụ thể, những lời nhận xét từ khách hàng để làm cho người nghe tin tưởng bạn. Và khán giả sẽ làm theo lời kêu gọi mà bạn đưa ra.
5. Tổng kết
Tôi vừa mang đến cho bạn những cách thức tạo nên một lời kêu gọi hành động mạnh mẽ. Tất cả mọi thứ từ việc sử dụng nguyên tắc rõ ràng, cụ thể, đơn giản; xác định nội dung, thông điệp, tệp khán giả; đưa ra những video, hình ảnh…
Bạn có thể kết hợp để tạo ra một lời kêu gọi mang màu sắc của riêng mình. Và hãy nhớ rằng: “nếu bạn được coi là một người hành động, bạn có cơ hội lớn để kích động hành động đó ở người khác”. Chúc bạn thành công.
2 thoughts on “Đột phá thuyết trình với lời kêu gọi hành động mạnh mẽ”
Ý tưởng và tiêu chí thật tuyệt vời, nó áp dụng được cho mọi người.
Cám ơn nhà sáng lập, cám ơn tác giả đã luôn sẵn sàng cho đi.
Thật sư quí giá với những chia sẻ của Phan Thanh Dũng, cho những ai thật sự cầu thị, muốn giao tiếp thuyết trình hay những kinh nghiệp quí báu và bổ ích. Cám ơn nhiều!