Nếu hiểu một cách đơn giản, giao tiếp là việc chúng ta trao đổi thông tin. Người nói và người nghe luân phiên lượt lời. Nhưng khi tìm hiểu sâu về hoạt động này hay là tìm cách để nói chuyện tốt hơn. Chúng ta thấy nó không khác gì một bộ một khoa học nghệ thuật. Người ta gọi là nghệ thuật giao tiếp. Mỗi lời nói, cách nói, hành động, cử chỉ, ánh mắt,… Hoặc những yếu tố nhỏ khác đều góp phần tạo nên chất lượng của hoạt động giao tiếp. Và một trong những yếu tố nhỏ nhưng có võ, để lại ấn tượng ban đầu, đó là cách bắt tay.
Không phải ngẫu nhiên các nguyên thủ quốc gia thường bắt tay khi gặp nhau. Cũng không phải tự nhiên mà cách bắt tay của những nhà lãnh đạo luôn là đề tài nóng hổi trên các bề mặt báo chí. Bởi vì cách bắt tay thể hiện khả năng giao tiếp, ngoại giao, quan điểm chính trị của mỗi nguyên thủ…
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn bắt tay những người chúng ta gặp gỡ như một phản xạ tự nhiên. Có thể đúng hoặc chưa hợp lí.
Hiểu được tầm quan trọng của cái bắt tay trong giao tiếp, đặc biệt là tạo ấn tượng ban đầu. Cho nên, trong bài viết này tôi chia sẻ cách bắt tay sao cho phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh. Từ đó, hi vọng rằng giúp bạn nâng cao được khả năng giao tiếp của mình.
Đọc thêm: Ngôn ngữ cơ thể – tuyệt chiêu nâng tầm thuyết trình
1. Ý nghĩa của bắt tay trong giao tiếp
Tùy vào mục đích giao tiếp của mỗi người hay chuẩn mực văn hóa từng vùng miền, từng quốc gia mà ý nghĩa của những cái bắt tay cũng khác nhau. Một cái bắt tay mang nhiều ý nghĩa biểu trưng. Sau đây là tổng hợp những hiểu biết riêng của tôi về ý nghĩa của bắt tay trong giao tiếp thường ngày.
Phần lớn, người ta bắt tay nhau với mục đích chào hỏi và giới thiệu. Tạo cảm giác thân thiện, cởi mở, kết nối khi gặp gỡ lần đầu tiên. Hoặc là thể hiện sự thân thiết, tôn trọng khi gặp lại…
Ngoài biểu thị một lời chào, một cái bắt tay chặt chẽ còn có thể truyền đạt sự tự tin và đáng tin cậy. Hơn thế, cách bắt tay còn thể hiện sự tôn trọng và lịch sự để thừa nhận sự hiện diện, vị trí hoặc thành tích của ai đó.
Trong hoạt động kinh doanh, thỏa thuận, kí kết hợp đồng, bạn sẽ thấy những cái bắt tay xuất hiện. Lúc này, nó tượng trưng cho một thỏa thuận chung, quan hệ đối tác hoặc bình đẳng giữa hai cá nhân. Nó có thể là một sự khẳng định không lời về sự hiểu biết chung khi đạt được thỏa thuận.
Thêm vào đó, bắt tay nhiều khi truyền tải những thông điệp và cảm xúc không lời. Chẳng hạn một cái bắt tay chặt chẽ, cộng với vỗ vai ân cần và ánh mắt dịu dàng có thể là lời động viên, tiếp thêm sức mạnh cho người khác.
Nói chung, ý nghĩa của việc bắt tay còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi rất nhiều những yếu tố khác. Ví dụ nét mặt, khuôn miệng, nụ cười, ánh mắt, thậm chí là lực khi bắt tay. Và cả những lời nói.
Vì thế mà để có được cuộc trò chuyện hiệu quả, bạn cần có khởi đầu tốt. Hiểu biết về cách bắt tay giúp bạn có khởi đầu ấn tượng.
2. Cách bắt tay phù hợp chuẩn mực chung
2.1. Cần bắt tay trong những trường hợp nào?
Có rất nhiều trường hợp cần/ nên bắt tay. Có thể bạn chủ động đưa tay ra trước hoặc là người khác. Bắt tay thường được dùng phổ biến trong môi trường trang trọng và chuyên nghiệp:
- Trong môi trường kinh doanh, nghề nghiệp. Đó là khi gặp gỡ đồng nghiệp, khách hàng, đối tác kinh doanh. Lúc này, bắt tay được sử dụng trong các buổi giới thiệu, cuộc họp kinh doanh, sự kiện kết nối, phỏng vấn xin việc hoặc khi chốt giao dịch.
- Bắt tay trong các sự kiện và nghi lễ trang trọng như hội nghị, hội thảo, trao giải….
- Khi tham gia các bữa tiệc hoặc họp mặt xã hội, bạn cũng cần bắt tay và chú ý cách bắt tay cho đúng. Điều này thể hiện một cử chỉ lịch sự và thân thiện để bắt đầu hoặc kết thúc cuộc trò chuyện.
- Ở các sự kiện, văn hóa ngoại giao, những cái bắt tay được sử dụng như một cử chỉ tôn trọng, thiện chí và hiểu biết lẫn nhau.
Ngoài ra trong giao tiếp hàng ngày, vẫn nên bắt tay, với các trường hợp như:
- Gặp gỡ những người bạn mới hoặc khi được người khác giới thiệu với người mới.
- Kết nối lại với những người đã lâu không gặp.
- Lúc tặng quà hoặc nhận quà cần chú ý cách bắt tay cho phù hợp.
- Khi muốn thể hiện sự biết ơn, trân trọng, chúc mừng… đến người khác.
2.2. Cách bắt tay phù hợp, đúng chuẩn mực
Khi muốn bắt tay với một ai đó, hoặc đón lấy cái bắt tay từ họ, bạn cần tự tin. Hãy đảm bảo duy trì sự giao tiếp bằng mắt và thái độ thân thiện, cởi mở.
Khoảng cách phù hợp để giao tiếp và bắt tay giữa hai người là khoảng một cánh tay. Không có quy định nào về khoảng cách bắt tay. Tùy vào mục đích và văn hóa, sở thích của từng người. Tuy nhiên, tôi thấy khoảng một cánh tay là vừa đủ để bắt tay thoải mái và có không gian để nói chuyện. Không quá gần hay quá xa.
Khi hai bàn tay gặp nhau, hãy cố gắng nắm chắc nhưng không quá mạnh. Nắm chặt tay người khác, nhưng tránh siết quá chặt hoặc nắm quá yếu. Bắt tay họ bằng chuyển động nhẹ nhàng lên xuống. Một vài lần lắc thường là đủ. Tránh lắc quá mạnh hoặc quá lâu, vì nó có thể trở nên khó chịu.
Trong hoạt động giao tiếp nói chung và bắt tay nói riêng, bạn cần chú ý giữ tư thế thẳng. Đồng thời, khi tay chạm nhau, cần nghiêng nhẹ người đến đối phương để thể hiện thiện chí, sự tôn trọng.
Cùng với đó, cần đưa bàn tay phải ra để bắt. Giữ bàn tay của bạn ở vị trí thẳng đứng, ngón cái hướng lên trên. Điều này giúp đảm bảo cảm giác cầm chắc chắn và thoải mái.
Cách bắt tay mang lại hiệu quả đó là hãy đính kèm nụ cười và lời chào.
Thời gian bắt tay phù hợp là từ 2 – 3s. Khi buông tay vẫn cần tiếp tục giao tiếp bằng mắt và có thể tiếp tục nói chuyện. Nếu bắt tay quá lâu sẽ gây cảm giác khó chịu cho người khác.
Nếu lòng bàn tay bị đổ mồ hôi, bạn có thể lau chúng một cách kín đáo trên quần áo trước. Hoặc cân nhắc mang theo khăn tay hoặc khăn giấy để lau khô tay.
2.3. Một số quy tắc/ cách bắt tay cần biết
Khi bắt tay, ai nên là người đưa tay ra trước?
- Người tuổi cao đưa tay ra trước, người nhỏ tuổi sau.
- Cấp trên trước, cấp dưới sau.
- Nam trước, nữ sau. Nếu nam là người lớn tuổi thì áp dụng quy tắc trên.
- Chủ nhà đưa tay ra trước, khách sau.
- Người đến trước bắt trước, người đến sau bắt sau.
- Cần đứng lên khi bắt tay.
- Không bắt bằng hai tay, không bắt chéo tay, bắt qua đầu, qua vai người khác.
3. Cách từ chối bắt tay lịch sự
Bắt tay là một nghi thức xã giao mang nhiều ý nghĩa, góp phần tạo ấn tượng tốt ban đầu. Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng muốn bắt tay. Vậy là sao để từ chối bắt tay một cách lịch sự, tôn trọng?
Bạn có thể sử dụng một vài gợi ý dưới đây:
Hãy nhanh chóng đưa ra một lời chào thay thế. Bằng cách gật đầu, mỉm cười, vẫy tay, và nói những lời chào hỏi đơn giản.
Hoặc bạn khéo léo đề xuất một cử chỉ chào hỏi khác thay thế. Chẳng hạn đặt tay lên tim, chắp tay trước ngực, chào kiểu Namaste…
Xin lỗi, bày tỏ thiện chí và giải thích lí lo cũng là cách để từ chối bắt tay thẳng thắn nhưng khéo léo, không né tránh. Bạn có thể đề cập rằng bạn đang thực hiện giãn cách xã hội hoặc tuân thủ các hướng dẫn được khuyến nghị để giảm sự lây lan của vi rút trong đại dịch COVID-19. Hoặc bất kì lý do nào khác mà bạn thấy phù hợp. Chẳng hạn tay bạn đang bị đau.
Tất nhiên, khi từ chối bắt tay, thái độ và ngôn ngữ cơ thể của bạn vẫn thể hiện sự ấm áp và tôn trọng.
4. Những lưu ý và cách bắt tay trong thời buổi dịch bệnh
Mọi người đã có những nhìn nhận và quan điểm khác về bắt tay trong và sau khi đại dịch COVID – 19 diễn ra. Các cơ quan y tế luôn khuyến cáo không nên bắt tay và tiếp xúc gần. Họ khuyến khích các hình thức chào hỏi thay thế để hạn chế tiếp xúc cơ thể. Đó như là một biện pháp phòng ngừa và giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh.
Vì thế, có rất nhiều hình thức chào hỏi để bạn tham khảo:
Chào hỏi bằng lời nói, nụ cười. Giao tiếp bằng mắt và gật đầu nhẹ cũng là một cách.
Bạn có thể đặt tay lên tim, vẫy tay hoặc chắp tay trước ngực (Namaste)
Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, chúng ta vẫn có thể bắt tay bình thường. Chỉ cần vẫn đảm bảo sát trùng thường xuyên. Bạn cũng cần cập nhật thông tin dịch bệnh và tuân theo những khuyến cáo của cơ quan y tế.
Lời kết về cách bắt tay
Bắt tay là một nghi thức truyền thống, là nghệ thuật và là kĩ năng giao tiếp. Tùy vào từng trường hợp, bối cảnh cụ thể để có những cái bắt tay hiệu quả nhất. Mong rằng, với những chia sẻ được tổng hợp từ hiểu biết và kinh nghiệm của tôi sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với mọi người.
Nếu có bất kì câu hỏi hay trao đổi nào, hãy để lại bình luận ở dưới. Tôi sẽ phản hồi bạn một trong thời gian sớm nhất.
Đọc thêm những chia sẻ hữu ích khác về các kĩ năng giao tiếp, thuyết trình khác tại đây.
Theo dõi tôi để nhận được nhiều kiến thức có giá trị.