Điều đặc biệt của giao tiếp, thuyết trình là giọng nói. Bạn đứng trên sân khấu và mọi người đều chờ bạn cất giọng. Sẽ thật tuyệt vời và gây ấn tượng tốt với khán giả nếu bạn có giọng nói ấm áp, đầy nội lực, nhiều cảm xúc và tràn trề năng lượng. Nếu xem buổi thuyết trình là ổ khóa thì giọng nói chính là chìa khóa để mở nó. Làm chủ giọng nói là một kĩ năng bạn cần học tập và rèn luyện.
Việc sở hữu một giọng nói hay – giống như bạn có trong tay nam châm thu hút mọi người. Nhưng không phải ai cũng nhận được đặc ân trời ban đó…
Tôi là một điển hình.
Nếu biết đến tôi 5 năm về trước, bạn sẽ được gặp một chàng trai mang trong mình giọng nói của một cô gái. Giọng của tôi rất yếu, bẽn lẽn, the thé; thường hụt hơi, nói rất nhỏ. Thực sự từ ngoại hình đến giọng nói tôi tự nhận thấy mình không khác gì 3D.
Nhưng bạn biết đấy, tôi bây giờ đã trở thành một chuyên gia thuyết trình, đứng trên sân khấu lớn hàng ngàn người, sở hữu giọng nói trầm ấm, điềm tĩnh, tự tin, chắc nịch.
Bạn có muốn thay đổi ngoạn mục giống tôi?
Hãy đọc trọn vẹn bài viết này.
1. Lí do cần làm chủ giọng nói khi thuyết trình
Thông thường khi nhắc tới việc cải thiện kĩ năng thuyết trình, mọi người sẽ nghĩ ngay tới những kĩ năng chuẩn bị bài, soạn bản trình chiếu, tương tác với khán giả, hay trả lời câu hỏi, cách vượt qua căng thẳng…. Ít ai để ý để cải thiện giọng nói của bản thân.
Giọng nói của con người là thứ âm thanh tuyệt diệu mà vũ trụ ban tặng cho chúng ta. Giọng nói có sức ảnh hưởng rất lớn đến bài nói của bạn, nó có thể phá vỡ mọi quy luật, mang lại cho bạn một bài thuyết trình ngoài mong đợi.
Một người làm chủ được giọng nói của mình nghĩa là hiểu về nó, điều khiển, thay đổi được giọng nói. Khiến cho nó hay hơn, ấm hơn, dễ nghe hơn, bắt tai hơn, thấm đẫm lòng người qua từng câu chữ hơn.
Sau đây là những lí do cần làm chủ giọng nói:
a/ Làm chủ giọng nói khiến bạn tự tin
Khi bản thân sở hữu giọng nói dễ nghe, dễ đi vào lòng người chắc chắn không có lí do gì khiến bạn phải im lặng. Thậm chí khi biết bạn có một giọng nói ấm áp, nhiều người còn khuyến khích bạn nói. Vì họ muốn nghe. Điều đó khiến bạn tự tin hơn nhiều.
Ngày trước, giọng của tôi rất yếu, đi ra đám đông tôi thậm chí còn không dám lên tiếng. Nhưng bây giờ đã khác, tôi thích nói trước nhiều người, tôi thể hiện chính tôi. Bạn biết đấy, một giọng nói tự tin cho thấy uy quyền và sự tín nhiệm.
b/ Làm chủ giọng nói khiến bạn nói rõ ràng hơn
Khi nói rõ ràng hơn thì điều bạn muốn nói, thông điệp muốn nhắn gửi sẽ dễ tiếp thu hơn đối với khán giả.
c/ Thu hút sự chú ý
Một giọng nói không hay – giọng khó nghe, khác lạ sẽ thu hút sự tò mò của người nghe nhưng họ sẽ rời đi ngay sau đó.
Một giọng nói hay – trầm ấm, đầy nội lực, cảm xúc cũng thu hút khán giả nhưng lại khiến họ say mê, nghe từ đầu đến cuối và còn muốn nghe thêm.
d/ Tăng khả năng thuyết phục
Giọng nói được kiểm soát tốt và có sức thuyết phục có thể giúp bạn thuyết phục người nghe hành động hoặc chấp nhận ý tưởng của bạn.
e/ Làm chủ giọng nói thể hiện tính chuyên nghiệp
Nói với giọng được kiểm soát tốt và trau chuốt có thể giúp bạn thể hiện mình là người chuyên nghiệp và có năng lực.
Bạn nói điềm tĩnh, chậm rãi, từ tốn nhưng chắc nịch. Nói to, rõ ràng những điều cần nhấn mạnh. Biết chỗ nào cần lên giọng, điểm nào cần hạ giọng, đẩy cảm xúc đến khán giả và khi nào cần im lặng…. Khi làm chủ được giọng nói, kiểm soát được nó bạn hoàn toàn làm chủ được sân khấu.
Chỉ những người chuyên nghiệp và có năng lực mới làm được như vậy.
Nhưng bạn đừng lo lắng. Giới hạn giữa việc chuyên nghiệp hay không chỉ vài bước chân. Chỉ cần chịu khó tìm hiểu, luyện tập với những cách mà tôi đã áp dụng sau đây.
2. Cách làm chủ giọng nói khi thuyết trình
a/ Hiểu giọng nói của mình
Ông cha ta đã luôn nhắc nhở “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Do vậy việc hiểu được giọng nói của chính mình rất quan trọng. Tôi đưa nó lên đầu tiên trong tất cả những cách mà tôi áp dụng để thay đổi được giọng nói của mình.
Bạn cần biết được giọng nói của mình như thế nào, chưa hay, chưa tốt ở điểm nào? Chẳng hạn, tôi xác định giọng của tôi yếu, nhỏ, the thé như con gái, hay hụt hơi khi nói.
Việc định vị được giọng nói của bản thân là cách để bạn tìm biện pháp sửa chữa. Hãy ghi ra những điểm mạnh và yếu của giọng nói.
b/ Tập hít thở sâu là một cách làm chủ giọng nói
Trước khi lên thuyết trình, bạn hãy hít thở thật sâu. Hít thở là cách cần thiết để làm nóng vùng ngực và cổ, làm cho giọng nói đầy đặn và phong phú.
Hãy đứng thẳng lưng, ngửa cằm, hít vào chậm đến khi đếm đến 4, giữ lại 2 giây, sau đó thở ra từ từ khi đếm đến 4. Bạn cứ lặp đi lặp lại như vậy sẽ khiến luồng không khí trong bạn được lưu thông và tươi mới. Giúp bạn tự tin và thông thoáng vùng ngực.
c/ Hãy lên tiếng
Nếu bạn cho rằng giọng nói của mình không hay, đi đâu bạn cũng cúi đầu, nói lí nhí, lầm bầm trong miệng thì mãi mãi bạn không thể nào thay đổi được.
Dù chưa hay, nhưng hãy mạnh dạn lên tiếng, ngẩng đầu, mở rộng vai, nói to, đủ nghe, rõ ràng. Đây là bước đầu để bạn mở khuôn miệng to hơn, rộng hơn, hơi thở thoát ra ngoài…
d/ Thực hành một số bài phát âm, luyện giọng
Thực hành các bài luyện giọng, luyện phát âm là cách tốt nhất để phát triển giọng nói tự nhiên. Khi thực hành hãy đứng trước gương và thực hành một số bài tập như:
Cố gắng nới lỏng miệng và thả lỏng dây thanh quản. Bạn có thể làm điều này bằng cách ngáp rộng, lắc hàm từ bên này sang bên kia, ngâm nga một giai điệu và nhẹ nhàng xoa bóp cơ cổ họng bằng ngón tay.
Tăng dung lượng và thể tích hô hấp bằng cách thở ra hoàn toàn cho đến khi toàn bộ không khí được đẩy ra khỏi phổi, sau đó hít một hơi thật sâu và giữ trong 15 giây trước khi thở ra lần nữa.
Luyện tập về cao độ của bạn bằng cách hát âm à, đầu tiên ở cao độ bình thường, sau đó giảm dần. Bạn cũng có thể làm điều này với từng chữ cái trong bảng chữ cái.
Lặp lại những câu uốn lưỡi như: Buổi trưa ăn bưởi chua; nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch, em lặt rau rồi luộc, chị luộc rau lặt rồi….
Bạn có thể tham gia lớp học về giao tiếp Miễn Phí để được học về cách luyện giọng cụ thể hơn tại đây
e/ Nói chậm lại và rõ ràng
Khi nói nhanh, tốc độ của bạn rất cao, dẫn đến khó kiểm soát hết những gì bạn nói, nói lắp, nuốt từ. Nói nhanh cũng khiến người nghe không tiếp thu kịp thông điệp từ bạn. Nói nhanh còn khiến cao độ của bạn tăng lên, thường chói tai, rất khó nghe. Do vậy, bạn cần nói chậm lại và rõ ràng.
Tốc độ nói lí tưởng là 120 từ đến 160 từ 1 phút. Trong ngưỡng này bạn có thể dễ dàng điều chỉnh những lời đang thốt ra, có khoảng dừng giữa các câu để khán giả dễ lắng nghe.
Hãy cố gắng và luyện tập nói rõ từng từ, phát âm tròn vành rõ chữ. Điều này không phải dễ dàng ngày một ngày hai là làm được mà bạn phải thực hành nhiều.
Khi thuyết trình, hãy luôn nhắc nhở mình nói chậm lại, chậm lại chút nữa. Mở khẩu hình to, thoát hơi ra ngoài để giọng nói được nghe rõ hơn.
f/ Điều chỉnh âm lượng
Để điều chỉnh được âm lượng giọng nói, bạn cần chú ý tới quy mô buổi thuyết trình. Đối với những buổi nói chuyện với khán phòng lớn, để đảm bảo những người ở xa nhất cũng có thể nghe được, bạn cần nói to hơn một chút. Tuy nhiên, thông thường sẽ có micrô hỗ trợ. Bạn có thể dễ dàng điều chỉnh âm lượng ở micrô bằng các nút điều khiển. Hoặc đưa micrô ở gần hay ra xa miệng bạn.
Tùy vào từng đoạn, từng từ bạn cần khán giả chú ý để lên giọng hoặc dịu giọng xuống. Kết hợp với ngôn ngữ cơ thể hay biểu hiện khuôn mặt để đạt được kết quả như ý.
Ngoài ra một trong những cách tốt nhất để điều chỉnh âm lượng giọng nói của bạn khi thuyết trình là luyện tập trước. Điều này sẽ giúp bạn cảm nhận được âm lượng và tốc độ phù hợp cho bài phát biểu của mình.
g/ Tạm dừng để làm chủ giọng nói
Không phải cứ khi nào bạn nói liên tục thì có hiệu ứng tốt. Đôi khi bạn cần có những khoảng tạm dừng.
Tạm dừng cũng sẽ giúp chia nhỏ bài thuyết trình của bạn – thực tế là giúp tạo ra các chương trong câu chuyện.
Tạm dừng ở giữa các câu để có thời gian hồi lại giọng nói của bạn. Hơi thở, cơ hoành của bạn có 1 khoảng nghỉ ngơi để chuẩn bị cho câu tiếp theo. Đây cũng là cách giúp bạn chậm lại và nói tròn vành, rõ chữ. Điều này còn giúp khán giả nắm được thông tin bạn đưa ra cụ thể, đầy đủ nhất.
Thêm vào đó, tạm dừng ở giữa các nội dung, tạm dừng để tạo cảm xúc hay để lắng đọng suy nghĩ, lĩnh hội những gì bạn chia sẻ…
Không chỉ có âm thanh giọng nói, mà tạm dừng, im lặng lại chính là giọng nói quyền lực nhất.
h/ Hãy mỉm cười
Bạn nên xuất hiện với nụ cười đầy nắng, giọng nói nhiều cảm xúc, khuôn mặt rạng rỡ, lời nói thân thiện, cởi mở, khích lệ… Bởi điều này tạo cho khán giả cảm giác thoải mái, dễ chịu để tiếp thu những thông tin đến từ bạn.
Một cách để bạn trông trở nên tươi tắn là đôi mắt biết cười, trong sáng. Bạn chỉ nhếch nhẹ khóe miệng cũng khiến giọng nói của bạn hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, không phải khi nào mỉm cười cũng phù hợp, đặc biệt đối với những chủ đề nghiêm túc. Hãy thổi hồn vào giọng nói, để cho giọng nói mang cảm xúc, chắc chắn giọng của bạn sẽ dịu dàng, ấm áp rất nhiều.
i/ Nghe lại giọng nói của mình
Trong khi luyện tập, hãy ghi âm bài nói chuyện của mình, sau đó nghe và điều chỉnh giọng trong từng đoạn cho phù hợp với mục đích của bạn.
Cách ghi âm và nghe chính mình nói để biết rằng khán giả đang nghe những gì, cảm giác khi nghe thế nào… Đặt mình vào khán giả để thay đổi và càng hoàn thiện hơn.
j/ Học hỏi và tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia
Sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều so với việc bạn tự tìm tòi hay thực hành một mình. Việc bạn có được sự hỗ trợ của chuyên gia sẽ giúp bạn biết được vấn đề giọng nói của bạn ở đâu. Cần khắc phục điều gì? Bài tập nào là phù hợp cho bạn?…. Các chuyên gia sẽ cho bạn một lộ trình để tái tạo giọng nói tự nhiên, làm chủ được giọng nói của mình.
Hiện nay, tôi đang có chương trình tư vấn và các lớp học MIỄN PHÍ, bạn có thể đặt lịch tại đây.
3. Làm chủ giọng nói bằng cách chăm sóc nó
Giọng nói cũng giống như một cái cây. Để phát triển xanh tốt và cho nhiều hoa thơm, trái ngọt, bạn cần phải chăm sóc nó hàng ngày.
Ngoài việc luyện tập những cách trên, bạn cũng cần biết cách chăm sóc giọng nói và thanh quản của mình. Tôi đã áp dụng chăm sóc giọng nói bằng những cách này và giờ đây tôi muốn chia sẻ đến nhiều người hơn. Hi vọng với những giá trị nhỏ này sẽ góp phần thay đổi lớn giọng nói của bạn.
a/ Tránh la hét quá mức
Khi bạn la hét, dây thanh của bạn bị tổn thương. Có thể thấy nếu bạn cổ vũ, la hét nhiệt tình hoặc hát kara quá mức. Ngay lập tức cổ họng bạn đau rát, giọng bạn bị khàn, rất khó nghe.
b/ Hạn chế thì thầm, hắng giọng
Nhiều bạn nghĩ thì thầm sẽ không ảnh hưởng đến giọng nói. Nhưng thực tế không như vậy.
Khi bạn thì thầm, bạn vẫn đang sử dụng dây thanh âm của mình, nhưng có thể gây căng thẳng cho chúng. Thì thầm đòi hỏi bạn phải sử dụng nhiều áp suất không khí để tạo ra âm thanh, điều này có thể khiến dây thanh âm rung ở tần số rất cao.Từ đó có thể dẫn đến khàn giọng, đau nhức và các loại tổn thương dây thanh âm khác.
Hắng giọng cũng có thể gây căng thẳng cho dây thanh quản của bạn. Hành động hắng giọng khiến việc co bóp mạnh các cơ trong thanh quản của bạn, làm cho dây thanh âm cọ xát với nhau. Điều này có thể gây viêm và kích thích dây thanh âm, dẫn đến khàn giọng và các vấn đề về giọng nói khác.
Thay vì thì thầm hoặc hắng giọng, bạn có thể thử uống nước hoặc nhấp một ngụm trà, khởi động giọng hoặc nghỉ một chút trước khi tiếp tục nói.
c/ Đừng quên nghỉ ngơi để làm chủ giọng nói khi thuyết trình
Nếu bạn nói chuyện trong một thời gian dài, hãy để cho cổ họng và giọng nói của bạn được nghỉ ngơi. Nghĩa là bạn không nói gì trong một thời gian nhất định, giọng nói của bạn sẽ tự hồi phục lại.
Bạn cũng có thể dành cho mình một khoảng thời gian không nói chuyện, không sử dụng giọng nói. Điều này tốt hơn khi chuẩn bị cho các sự kiện lớn.
d/ Hãy tạm dừng một chút
Tạm dừng để hồi phục hơi thở và giọng nói của bạn. Hơn nữa giúp bạn suy nghĩ thấu đáo hơn khi nói và khán giả kịp tiếp thu thông tin từ bạn.
e/ Không uống nước lạnh, ăn đồ ăn lạnh là cách để làm chủ giọng nói
Thức uống và đồ ăn lạnh là kẻ thù của cổ họng và giọng nói. Nó làm co các cơ, mạch máu trong cổ họng, gây kích ứng niêm mạc… Khiến bạn đau rát họng. Thay vào đó hãy sử dụng nước ấm hoặc nhiệt độ phòng để bảo vệ giọng nói của bạn.
f/ Hạn chế các chất kích thích như bia, rượu, cà phê, nước ngọt, thuốc lá…
Các chất kích thích này không chỉ ảnh hưởng đến giọng nói và còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn. Do vậy càng hạn chế càng tốt.
g/ Nước chanh và mật ong rất tốt cho cổ họng và giọng nói
Nước chanh cũng chứa nhiều vitamin C, một chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ dây thanh quản khỏi bị hư hại.
Mật ong cũng được cho là có lợi cho giọng nói vì nó có thể giúp làm dịu cơn đau họng và giảm viêm. Mật ong là một chất giữ ẩm tự nhiên, có nghĩa là nó có thể giúp giữ ẩm cho cổ họng và giảm kích ứng. Nó cũng được cho là có đặc tính kháng khuẩn, có nghĩa là nó có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn và các vi trùng khác có thể gây nhiễm trùng ở cổ họng.
Do vậy, cần sử dụng một lượng phù hợp với cơ thể giúp giọng nói của bạn tốt hơn.
4. Lời kết làm chủ giọng nói khi thuyết trình
Chẳng ai sinh ra là hoàn hảo. Nếu chưa hoàn hảo, bạn có thể rèn luyện để được trọn vẹn theo cách riêng của mình.
Ông trời chẳng phụ lòng tôi suốt những năm tháng tôi miệt mài luyện tập. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn luôn nhắc nhở mình chăm sóc giọng nói.
Khi đọc đến những dòng này, nghĩa là bạn thấy những gì tôi chia sẻ tốt cho bạn. Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng tôi. Bởi vì sự đáng yêu và xinh đẹp này nên tôi dành tặng bạn khóa học Giải phóng ngôn từ tâm đắc nhất của tôi. Hãy nhấp vào đường link để nhận. Chúc bạn thành công!