Bạn cảm thấy căng thẳng và lo lắng trước khi thuyết trình hay phát biểu một nội dung nào đó. Đừng lo vì đây là triệu chứng bình thường của tất cả mọi người, ngay cả những diễn giả nổi tiếng cũng không tránh khỏi. Vậy làm thế nào để kiểm soát sự căng thẳng khi thuyết trình? Tôi sẽ chỉ cho bạn, bởi vì tôi cũng đã từng như vậy.
Để tôi kể cho bạn câu chuyện của chính bản thân mình. Mới đây thôi – vài năm về trước – nếu bạn gặp tôi hẳn sẽ bảo “cái thằng này nhìn chán thế”, hay bạn hoài nghi về tương lai cho tôi. Thật sự, tôi chẳng có gì ngoài một ngoại hình gầy gò, khuôn mặt đầy mụn; giọng nói the thé (nhiều người bảo bê đê). Từng là một người thiếu tự tin, giao tiếp kém và sợ nói chuyện trước đám đông, cứ hễ đứng trước ống kính máy quay là không biết nói gì nên tôi rất bất mãn về chính mình vì nó làm tôi lỡ mất đi nhiều cơ hội trong công việc, tình yêu và cuộc sống.
Nhưng bạn thấy đấy, Tôi bây giờ đã khác, nói chuyện trước nhiều người không còn căng thẳng, đã tự tin đứng trên những sân khấu hàng ngàn người, đứng trước máy quay đào tạo nhiều khóa học viên, đã trở thành chuyên gia thuyết trình. Và còn rất nhiều điều tuyệt vời khác đến với tôi nữa…
Bài viết này như một sự chia sẻ những gì tôi đã trải nghiệm, thử nghiệm trong suốt 5 năm học tập và làm việc. Hi vọng giúp bạn loại bỏ những căng thẳng và có một bài thuyết trình hiệu quả.
Ngoài ra, tôi đã có rất nhiều bài viết chia sẻ các kĩ năng thuyết trình, các bí quyết để thuyết trình như một chuyên gia, cách để tự tin hơn khi thuyết trình.…, bạn hãy đọc thêm để củng cố và nâng cao bản thân.
1. Lý do có sự căng thẳng khi thuyết trình
Tôi đã từng thực hiện rất nhiều buổi thuyết trình với nhiều chủ đề khác nhau và tôi không ngại thừa nhận rằng điều đó thật khó khăn. Đối với những người không được sinh ra với khả năng hùng biện bẩm sinh, việc nói trước công chúng có thể rất căng thẳng.
Vậy sự lo lắng, căng thẳng khi thuyết trình xuất phát từ đâu?
Nó xuất phát từ việc bạn sợ thất bại, sợ mọi người phán xét tiêu cực và nhìn nhận phần trình bày của bạn không tốt..
Nhiều người đứng trước một nhóm người và đứng hình hoặc quên mất mình định nói về điều gì. Điều này dẫn đến mức độ căng thẳng gia tăng và thực sự có thể làm ngừng hoạt động thùy trán của não, bộ phận chịu trách nhiệm một phần cho việc phục hồi trí nhớ.
Nhiều người chỉ cần phát biểu trước đám đông là tim đập thình thịch, mồ hôi vã ra, lắp bắp, không nói ra tiếng, không thở ra hơi. Thậm chí có người tay chân run cầm cập…
Bạn không phải là diễn giả, hay nhà hùng biện và bạn muốn tìm cách để kiểm soát sự căng thẳng, lo lắng khi thuyết trình. Có một số việc nhỏ bạn có thể làm trước buổi thuyết trình để có thể giải quyết những điều đó. Tôi hi vọng nó sẽ giúp ích cho bạn trong việc lấy lại sự tự tin để hoàn thành bài trình bày của mình thành công.
2. Kiểm soát sự căng thẳng khi thuyết trình
2.1. Trước thuyết trình
a/ Chuẩn bị nội dung bài trình bày là một cách giảm căng thẳng khi thuyết trình
Hãy chọn chủ đề mà bạn quan tâm. Khi bạn yêu thích một lĩnh vực nào đó bạn sẽ dành tâm huyết để tìm hiểu về nó. Nói về chủ đề bạn biết rõ, bạn sẽ không phải hoang mang hay lo lắng khi người khác đặt câu hỏi. Bạn thấy thú vị thì khán giả của bạn cũng vậy. Họ sẽ nhận ra điều đó thông qua phần chuẩn bị và trình bày của bạn. Sự chân thành của bạn sẽ lay động trái tim của khán giả.
Hãy tìm hiểu bao quát về chủ đề, sau đó chọn một phần cụ thể để trình bày. Đây là lời khuyên hữu ích vì kiến thức bạn có càng nhiều, bạn sẽ tránh được nhiều tình huống với những câu hỏi bất ngờ từ khán giả của bạn. Nhiều người không chỉ đặt câu hỏi có nội dung sẵn có mà còn hỏi rộng ra bên ngoài. Việc chuẩn bị sẵn câu trả lời cho những câu hỏi có thể xảy ra sẽ khiến bạn cảm thấy sẵn sàng hơn và do đó bớt lo lắng hơn.
Thực hành trước nhiều lần. Bạn nói càng nhiều, phần trình bày của bạn sẽ càng trôi chảy. Hãy luyện tập trước gương để biết bản thân mình sẽ thế nào khi thuyết trình: cơ mặt, giọng nói, trang phục, cách đi đứng, cử chỉ tay.
Ngoài luyện tập trước gương, bạn có thể luyện thuyết trình trước người thân, bạn bè. Hỏi ý kiến, và họ sẽ điều chỉnh cho bạn những điểm khiếm khuyết. Đây chính là những khán giả tuyệt vời nhất khiến bạn tự tin hơn, dễ dàng và thoải mái bộc lộ bản thân.
Hơn nữa, bạn có thể tham khảo phần thuyết trình của các diễn giả trên TED hay đọc thêm sách để hoàn thiện kỹ năng của mình.
Tự học, tự luyện tập là phần tất yếu nhất để thành công trong mọi lĩnh vực, cụ thể là để kiểm soát căng thẳng khi thuyết trình. Nhưng bạn biết đấy, sẽ nhanh hơn rất nhiều lần khi bạn có người Thầy dẫn dắt. Nếu cần sự đồng hành, hãy đặt lịch tư vấn và tham gia các khóa học kĩ năng thuyết trình miễn phí tại đây.
Một điều hết sức lưu ý mà rất nhiều người thuyết trình mắc phải, đó là học thuộc nội dung bài trình bày. Đây là một điều đại kị vì bạn sẽ đánh mất sự sáng tạo, tự nhiên trong phần thuyết trình trực tiếp. Nó làm bạn như một con rô bốt, đơ cứng, không cảm xúc. Và cũng có thể sẽ khiến bạn quên hết nội dung bài nói nếu có sự cố xảy ra, điều đó chỉ thêm căng thẳng và lo lắng hơn mà thôi. Hãy đưa ra những ý chính, viết nó lên giấy, hoặc bản trình chiếu và tập nói về những luận điểm đó.
Đừng quên hoàn thiện phần kịch bản của bạn. Tìm ra những điểm chưa hợp lý và hoàn thiện nó. Thêm vào những ý tưởng mới, cho phần trình bày của bạn thêm hấp dẫn. Chuẩn bị càng chu đáo, bạn sẽ kiểm soát được lo lắng, căng thẳng khi thuyết trình, từ đó sự tự tin trong bạn sẽ càng được nâng cao. Viết một bài thuyết trình trọn vẹn cũng là cách để bạn nắm được khái quát nội dung sẽ trình bày.
b/ Tập trung vào bản thân
Hãy nghĩ về kết quả mà bạn mong muốn. Những suy nghĩ tích cực sẽ dẫn lối cho tâm trí bạn. Bạn đang ở buổi thuyết trình, với một phong thái tự tin, bạn đang trình bày về chủ đề mà mình yêu thích, mọi người đều chăm chú lắng nghe và tán thưởng phần trình bày của bạn. Nghe rất hấp dẫn phải không?
Hãy ngừng ngay những suy nghĩ tiêu cực. Suy nghĩ tiêu cực là một trong những tác nhân khiến bạn căng thẳng khi thuyết trình. Chưa ra trận nhưng đã hình dung mình thất bại, không làm được, mọi người phê phán, đánh giá bài trình bày của mình. Điều đó hoàn toàn không tốt chút nào. Nó sẽ làm cho ý chí của bạn dập tắt, luôn trong trạng thái sợ hãi, lo lắng. Vì vậy hãy làm bất cứ điều gì để giúp tâm trí bạn thoát khỏi nó: tán gẫu với bạn bè, hát, chơi thể thao, đi dạo….
Nghe nhạc luôn là một ý tưởng hay để giải tỏa căng thẳng khi thuyết trình trong bạn. Một trong những cách tốt nhất để xoa dịu tâm trí trước khi phát biểu là nghe loại nhạc mà bạn thích. Âm nhạc sẽ làm cho tâm hồn ta thoải mái, không lo âu, buồn phiền.

2.2. Trong thuyết trình
Đến nơi thuyết trình sớm, bạn có cơ hội cảm nhận về môi trường, không gian, cơ sở vật chất và tránh những tình huống bất ngờ như kẹt xe, sự cố hỏng hóc… Đến đó sớm 15 đến 20 phút và đứng ở nơi bạn sẽ đứng khi thuyết trình. Hình dung những người ngồi trên ghế và cách bạn xử lý việc nói chuyện trước một căn phòng đầy đủ.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng khi ra thuyết trình hãy cho mình thời gian để trấn tĩnh. Hít thở thật sâu, nhìn khán giả của bạn với ánh mắt trìu mến, một nụ cười tự tin sẽ đem đến năng lượng tích cực cho bạn. Họ đến để nghe bài diễn thuyết của bạn, đừng để điều đó trở thành gánh nặng. Bạn đã có sự chuẩn bị kỹ càng, không gì có thể làm khó bạn.
Khi trình bày hãy giao tiếp bằng mắt với mọi người. Tập trung vào những gương mặt thân thiện, những nụ cười, cái gật đầu đồng ý sẽ làm giảm bớt rất nhiều sự lo lắng trong bạn.
Bất cứ một chương trình nào cũng có sai lầm xảy ra, dù ít hay nhiều bạn cũng đừng bối rối, thực hiện bất kỳ hành động khắc phục nào phù hợp và lấy lại bình tĩnh. Tập trung vào những gì sẽ nói tiếp theo và tiếp tục bài phát biểu. Chăm chú vào một sai lầm và cảm thấy tồi tệ về nó chỉ làm bạn lo lắng và căng thẳng hơn.
2.3. Sau thuyết trình
Thu thập phản hồi của khán giả sẽ là công cụ hữu ích cho bạn làm tốt những lần tiếp theo.
Thuyết trình là điều đáng tự hào, hãy ăn mừng điều đó. Ngoài gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, bạn cũng xứng đáng được đánh giá cao từ chính mình. Dành phần thưởng để khích lệ cho bản thân mình là một ý tưởng hay.
Đừng buồn vì những sai lầm trong lúc thuyết trình. Bạn đã cố gắng rất nhiều và thành công vượt qua nổi sợ của bản thân. Dần dần hoàn thiện mình hơn trong những lần tiếp theo.
Không có nỗi sợ nào là không khắc phục được. Sự sợ hãi, lo lắng, căng thẳng khi thuyết trình cũng vậy. Chỉ cần có sự chuẩn bị chu đáo, cải thiện điểm yếu của bản thân, tích lũy kinh nghiệm qua những lần thuyết trình. Tạo tiền đề cho những lần tiếp theo.
Bạn là phiên bản duy nhất. Hãy tin vào bản thân mình và bạn sẽ thành công.
Bạn hãy áp dụng thử tất cả những gợi ý trên của tôi, chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi không ngờ đấy. Bởi đây là những kinh nghiệm của tôi, những gì tôi đã trải qua nên thấu hiểu nó.
Nếu bạn cần người hỗ trợ, đồng hành hãy liên hệ cho tôi. Tôi có những chương trình hoàn toàn miễn phí dành cho bạn. Mục tiêu cuộc đời của tôi là giúp nhiều người ăn nói lưu loát hơn, thuyết trình trôi chảy, hiệu quả hơn, có được cuộc sống như mong đợi.