Có bao giờ bạn ở trong những trường hợp khi trò chuyện với người khác. Chỉ vì một vài từ ngữ, hoặc không đúng ý, hiểu nhầm nhỏ mà cả bạn và đối phương không kiềm chế được cảm xúc; nên đẩy câu chuyện đi quá xa. Hoặc để căng thẳng leo thang. Từ đó mối quan hệ của cả hai người rạn nứt, khó hàn gắn? Thực tế là điều này đang diễn ra hàng ngày với rất nhiều người. Và lí do lớn nhất cho điều không mong muốn trên là bạn đã không nhận diện và quản lí cảm xúc của chính mình cũng như của người khác khi giao tiếp.
Là một chuyên gia về lĩnh vực giao tiếp, thuyết trình, tôi đã giúp đỡ hàng ngàn học viên giao tiếp tốt hơn. Và bạn biết đấy, cuộc sống sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều khi ta giao tiếp hiệu quả. Qua nhiều năm đào tạo, gặp gỡ rất nhiều người với nhiều câu chuyện. Tôi thấy rằng việc nhận biết, quản lí và điều chỉnh cảm xúc là vô cùng cần thiết khi giao tiếp.
Với mong muốn đem những hiểu biết, kinh nghiệm của mình chia sẻ đến cộng đồng. Bài viết này là những gì chắt lọc nhất để giúp bạn nhận biết và quản lí cảm xúc tốt hơn.
1. Nhận diện và quản lí cảm xúc khi giao tiếp là gì?
Để biết được cách nhận diện và quản lí cảm xúc của bản thân và người khác. Trước hết cần hiểu rõ nó là gì?
Hiểu một cách đơn giản nhất, nhận diện và quản lí cảm xúc khi giao tiếp là nhận thức được cảm xúc, điều chỉnh được chúng theo hướng tích cực. Nhằm giao tiếp theo cách tôn trọng và mang tính xây dựng.
Cụ thể, bạn cần gọi tên được cảm xúc mà bạn hoặc người khác đang có. Điều này dễ dàng nhận thấy thông qua tự phản ánh, quan sát các tín hiệu phi ngôn ngữ và lắng nghe tích cực. Đồng thời, bạn phải hiểu được nguyên nhân nào dẫn đến những cảm xúc đó. Biết được nguyên nhân là cách để kiểm soát được cảm xúc.
Bằng cách này hay cách khác, sau khi nhận diện được cảm xúc cũng là lúc bạn cần quản lí, điều chỉnh nó theo hướng tích cực. Đối với người khác, điều cần thiết là sự đồng cảm để giúp cho hoạt động giao tiếp phát triển theo chiều hướng tốt đẹp.
2. Tại sao cần nhận diện và quản lí cảm xúc khi giao tiếp?
Bạn có nhận thấy rằng, hầu hết các cuộc trò chuyện đều bị chi phối bởi cảm xúc. Vui hay buồn, hào hứng hay tức giận… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung cũng như chất lượng giao tiếp. Sau đây là một vài lí do cụ thể để thấy rằng cần nhận diện và quản lí cảm xúc khi giao tiếp.
Thứ nhất, nhận diện và quản lí cảm xúc giúp cải thiện hiệu quả giao tiếp. Biết và gọi tên đúng cảm xúc của bản thân và người khác là cách để bạn lựa chọn cách giao tiếp như thế nào. Cụ thể là điều gì nên nói, điều gì không. Hoặc nên sử dụng từ ngữ, giọng điệu sao cho phù hợp.
Ngoài cải thiện hiệu quả giao tiếp, khi hiểu và điều chỉnh được cảm xúc, bạn sẽ xây dựng được các mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Bởi vì, quản lí cảm xúc của bản thân để giúp bạn tránh gây tổn thương cho người khác. Thay vào đó là cách nói khiến họ dễ chịu. Nhận biết được cảm xúc của người khác còn hỗ trợ bạn giao tiếp thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm. Chính điều này đã giúp tạo dựng lòng tin và tăng cường kết nối.
Thứ 3, làm chủ được cảm xúc là cách để chúng ta giảm hiểu lầm, căng thẳng, xung đột. Khi cảm xúc dâng trào, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực. Chúng ta rất dễ nổi nóng, không bình tâm để lắng nghe, suy xét mọi lời nói của đối phương. Điều này dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc. Do đó, mọi chuyện sẽ khác đi rất nhiều khi bạn nhận diện và quản lí được cảm xúc của chính mình và những người xung quanh.
Như vậy, nhận diện và quản lí cảm xúc là điều vô cùng cần thiết cho bất cứ hoạt động giao tiếp nào. Cho nên, chúng ta cần tìm cách để làm chủ được cảm xúc của mình.
Phần tiếp theo, tôi chia ra cách để nhận diện và kiểm soát cảm xúc đến từ hai hướng: bạn và đối phương giao tiếp với bạn. Đây là cách tiếp cận dễ dàng nhất giúp bạn nắm bắt kĩ năng này.
3. Cách để nhận diện và quản lí cảm xúc của bản thân trong giao tiếp
3.1. Cách nhận diện cảm xúc
Nhận diện cảm xúc là bước đầu tiên để bạn có thể quản lí, điều chỉnh được cảm xúc của mình trong các tình huống giao tiếp. Khi hiểu bạn đang có cảm xúc gì thì mới tìm cách để giao tiếp sao cho phù hợp.
Một số cách để giúp bạn nhận diện được cảm xúc của chính mình:
+ Đặt một vài câu hỏi. Chẳng hạn, bạn đang cảm thấy như thế nào? Điều gì khiến bạn có cảm xúc ấy?
+ Kiểm tra cảm giác về sức khỏe, thể chất. Thể chất ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn. Chắc chắn bạn không thể nào vui vẻ và có hứng thú trò chuyện khi chiếc bụng đang cồn cào, khó chịu. Hơn nữa, cảm xúc còn được thể hiện qua các dấu hiệu thể chất. Chẳng hạn, bạn thấy tim đập nhanh, đổ mồ hôi, hoặc có thể run tay… là biểu hiện của cảm xúc hồi hộp, lo lắng.
+ Viết ra những suy nghĩ và cảm giác của mình. Đây là một cách để bạn nhận thức rõ hơn về cảm xúc của mình. Đặc biệt khi viết, bạn sẽ tập trung. Đồng thời các con chữ cũng là để bạn nhìn nhận trực quan.
+ Gọi tên những cảm xúc mà bạn đang cảm thấy càng cụ thể càng tốt. Ví dụ, thay vì chỉ cảm thấy “tồi tệ”, bạn có thể cảm thấy buồn, lo lắng hoặc thất vọng.
3.2. Cách quản lí, điều chỉnh cảm xúc
Đối với những cảm xúc tích cực, bạn sẽ dễ dàng để quản lí nó. Nhưng sẽ khó hơn rất nhiều nếu bạn đang ở trong những cảm xúc tiêu cực.
Khi đã gọi tên được cảm xúc mà bạn đang có, tôi nghĩ điều cần thiết là bạn nên chậm lại. Chậm lại để có thời gian bình tâm và thực hiện một số cách sau. Đây là những cách mà tôi đã áp dụng cho chính mình. Cũng như hướng dẫn cho rất nhiều học viên và họ đều cảm thấy hiệu quả.
+ Hít sâu thở chậm. Khi cảm thấy cảm xúc của bạn không ổn. Hoặc bị choáng ngợp bởi những cảm xúc. Việc cần làm là hít thở. Hít vào thật sâu và thở ra thật chậm. Hãy cố gắng lặp lại điều này bởi vì nó có thể giúp bạn bình tĩnh lại. Và tất nhiên, khi đã bình tĩnh cũng là lúc bạn có thể phản ứng tốt hơn. Hoặc là dễ dàng điều chỉnh cảm xúc, lời nói, hành vi của mình đi đúng hướng.
+ Nên dành thời gian để lắng nghe nhiều hơn thay vì nói. Chúng ta thường có xu hướng muốn nói nhiều hơn, tranh luận gay gắt và muốn giành phần thắng khi ở trong một cuộc trò chuyện căng thẳng. Do đó, sau khi gọi tên được cảm xúc, hít thở thật sâu là lúc bạn nên im lặng lắng nghe để hiểu. Nghe là cách đơn giản nhất để hiểu rõ hơn về quan điểm của đối phương và phản hồi một cách đồng cảm hơn.
+ Nên bắt đầu bằng câu nói với “Tôi” thay vì “Bạn”. Chẳng hạn, thay vì nói “Bạn luôn phớt lờ ý kiến của tôi”. Hãy nói “Tôi thấy khó chịu khi ý kiến của mình không được lắng nghe”.
Bạn sẽ thấy rằng, khi bắt đầu bằng “Tôi”, chúng ta sẽ thể hiện được quan điểm của mình mà không tấn công hay chỉ trích người khác. Đồng thời cách nói này giúp bạn chịu trách nhiệm về cảm xúc của mình và tránh đổ lỗi đến đối phương giao tiếp của mình.
Đây là một cách mà tôi thường sử dụng để nhận diện và quản lí cảm xúc của chính mình. Tôi nghĩ rằng nó đáng để bạn thử.
+ Tạm dừng cuộc trò chuyện. Nếu bạn cảm thấy mình bị bao trùm bởi những cảm xúc. Cảm thấy lúc này khó để nói bất cứ điều gì phù hợp. Hãy tạm dừng cuộc trò chuyện. Cách này giúp bạn có thời gian để bình tĩnh lại. Và tập trung suy nghĩ kĩ trước khi tiếp tục hoạt động giao tiếp.
Nhưng quan trọng nhất là, để nhận diện và quản lí cảm xúc của bản thân tốt nhất, bạn cần sự luyện tập. Không phải ngày một ngày hai có thể nhanh chóng điều chỉnh cảm xúc của mình được. Do đó, cần học hỏi, thấu hiểu bản thân nhiều hơn nữa.
4. Cách nhận diện cảm xúc của người khác và để giao tiếp tốt hơn với họ
4.1. Cách để nhận diện cảm xúc của người khác khi giao tiếp
Thực ra, không khó để nhận diện cảm xúc của người khác khi giao tiếp. Chỉ cần bạn để tâm một chút đến họ. Đồng thời mong muốn cuộc trò chuyện phát triển, mang tính xây dựng. Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể nhận diện được cảm xúc của người khác.
+ Đừng bỏ qua các tín hiệu phi ngôn ngữ. Đó chính là các dấu hiệu ngôn ngữ cơ thể như nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, tư thế, giọng điệu, sự đụng chạm… Các dấu hiệu này đều sẽ truyền đạt những thông tin có gia trị về cảm xúc. Chỉ cần bạn để ý quan sẽ rất dễ nhận thấy.
+ Lắng nghe là một cách hữu hiệu để nhận diện được cảm xúc của người khác. Nghe những gì họ nói và cả cách nói của họ.
+ Đặt các câu hỏi mang tính gợi mở. Các câu hỏi này cho phép người nói có thể dễ dàng nói ra câu chuyện của họ, những vấn đề đang gặp phải. Hoặc là một vài cảm xúc đang hiện hữu với họ.
4.2. Cách giao tiếp giúp người khác quản lí cảm xúc của họ tốt hơn
Cảm xúc là những trải nghiệm của cá nhân và thuộc về trách nhiệm cá nhân. Bạn không thể nào quản lí được cảm xúc của người khác. Bạn chỉ có thể quản lí, kiểm soát, điều chỉnh được cảm xúc của chính mình mà thôi.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà không có cách nào giúp người khác điều chỉnh được cảm xúc của họ. Chính những hành động, cách nói, thái độ…. Hoặc sự khéo léo của bạn góp phần giúp người khác quản lí cảm xúc của họ tốt hơn.
+ Đầu tiên, đó là lắng nghe. Khi bạn thực sự lắng nghe tích cực sẽ giúp cho người nói cảm thấy được lắng nghe, tiếp nhận, tôn trọng… Hay đơn giản là xác thực những gì họ nói
+ Sự đồng cảm là yếu tố không thể thiếu giúp bạn hiểu được người nói. Bằng cách đặt mình vào vị trí của người khác là cách để hiểu những gì đang xảy ra với họ. Hoặc những gì họ đang cảm nhận. Đây là cách mang lại sự dễ chịu cho cả người nói và người nghe trong quá trình giao tiếp.
+Hơn nữa, để xoa dịu những cảm xúc tiêu cực ở đối phương, bạn cần tránh những từ ngữ gây chiến, khiêu khích. Những từ ngữ tiêu cực trong bất cứ trường hợp nào đều không nên sử dụng.
Khi bạn đang ở trong một cuộc giao tiếp mà bị cảm xúc chi phối, đặc biệt là cảm xúc tiêu cực. Đừng cố gắng nói bất cứ điều gì không cần thiết. Nếu có thể, hãy dừng lại một chút để cả hai có thời gian suy nghĩ lại cả lời nói và hành động của mình. Rõ ràng, cảm xúc lên cao sẽ lấn át lí trí. Do đó có những lời nói, hành động mà khi bình tâm lại ta sẽ thấy nó tai hại, tội tệ vô cùng.
Lời kết
Nhận diện và quản lí cảm xúc có vai trò quan trọng trong giao tiếp. Làm chủ được cảm xúc của chính mình là bạn đang làm chủ cuộc chơi. Giúp người khác quản lí tốt cảm xúc của họ là việc làm mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng.
Cho nên, cần rèn luyện nhiều hơn nữa để cuộc sống của bạn đáng nhớ, tốt đẹp hơn.
Nếu bạn đang khó khăn về nhận diện và cảm xúc của bản thân. Hãy đăng kí ngay chương trình học miễn phí của chuyên gia thuyết trình Phan Thanh Dũng. Rất nhiều người đã thay đổi được bản thân. Họ thăng hoa trong cuộc sống nhờ học và thực hành tốt các bài học từ chuyên gia.
Hãy để lại bình luận nếu có câu hỏi, hoặc muốn thảo luận cùng tôi.