Nội Dung Bài Viết

Sức mạnh của khoảng lặng trong thuyết trình – 4 MẸO CHO BẠN

Thật ra, mỗi bài thuyết trình đều giống như một bản nhạc. Sẽ có những nốt thăng, nốt trầm, nốt lặng. Sẽ có những lúc bay bổng lên cao, nhưng cũng có vài khoảng lặng để khán giả soi rọi lại lòng mình. Tất cả đều có vai trò riêng của nó và phối hợp hài hòa với nhau để tạo nên thanh âm đẹp nhất cho đời. Khi bàn đến thuyết trình, chúng ta thường nghĩ ngay đến việc diễn giả nói, trình bày. Đúng là như vậy. Nhưng đôi khi chỉ vài giây dừng lại hoặc im lặng một chút lại có sức nặng hơn ngàn lời nói. Đó chính là sức mạnh của khoảng lặng trong thuyết trình.

Là một chuyên gia thuyết trình và tham gia đào tạo hàng ngàn học viên mỗi năm, tôi luôn trăn trở tìm cách giúp được nhiều người giao tiếp và thuyết trình tốt hơn. Tôi nhận thấy việc tạo những khoảng lặng rất quan trọng trong thuyết trình. Nhưng nhiều người chưa thật sự chú ý tới nó. Hoặc có thì cũng chưa biết cách để vận dụng hiệu quả cho bài nói của mình. Do vậy bài viết này là tổng hợp các hiểu biết và kinh nghiệm của tôi về những khoảng lặng. Hi vọng sẽ giúp ích cho bạn.

Thế nào là khoảng lặng trong thuyết trình

1. Thế nào là khoảng lặng trong thuyết trình?

Khoảng lặng trong thuyết trình là sự ngắt quãng có chủ ý của người nói. Bạn dừng lại và im lặng, không nói bất cứ điều gì trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng nên nhớ rằng sự im lặng này là bạn có chủ đích. Bạn thực hiện tạo khoảng lặng để nhấn mạnh ý, hoặc dành thời gian để khán giả suy ngẫm, lắng đọng cảm xúc.

Nó khác với việc bạn bị động tạo nên những khoảng lặng. Bị động có nghĩa là bạn không nhớ nội dung, không biết mình sẽ trình bày điều gì tiếp theo. Hoặc có thể bạn căng thẳng và không kiểm soát được, khuôn miệng đơ cứng, khiến bạn im lặng. Nếu bạn bị động, những khoảng lặng được tạo nên sẽ gây cảm giác khó chịu cho người nghe. Và đồng thời nó tố giác bạn với khán giả.

Ngược lại, nếu bạn chủ động, lập kế hoạch để tạo ra những thời điểm im lặng. Điều này sẽ tạo ra hiệu ứng thuyết trình rất tốt.

Ở bài viết này, tôi tập trung làm rõ về khoảng lặng, im lặng trong thuyết trình. Chứ không tập trung vào tạm dừng. Tạm dừng cũng là một sự ngắt quãng có chủ ý nhưng thời gian chỉ vài giây, nó là một sự gián đoạn ngắn. Mục đích chủ yếu của tạm dừng là để người nói kiểm soát được tốc độ nói của mình, thu thập suy nghĩ cho những trình bày tiếp theo. Ngoài ra, còn có nhấn mạnh một điểm, cho phép khán giả suy nghĩ nhanh….

2. Sức mạnh của khoảng lặng trong thuyết trình

2.1. Khoảng lặng trong thuyết trình giúp khán giả dễ dàng tiếp thu ý bạn nhấn mạnh

Trong mỗi bài thuyết trình luôn có những điểm quan trọng mà bạn cần khán giả của mình chú ý và ghi nhớ. Tuy nhiên, khán giả chỉ nhớ khi có điều gì đó đặc biệt. Và một trong những cách tạo sự đặc biệt đó là bạn im lặng một chút sau mỗi ý bạn cần khán giả lưu tâm.

Sự thật là nếu bạn cứ nói đều đều thì khán giả vẫn nghe nhưng thực sự không đọng lại được gì. Thậm chí, nếu bạn nói liên tục, người nghe không thể nào đủ thời gian để tiêu hóa kịp những gì bạn trình bày.

Do đó, việc im lặng lúc này là vô cùng cần thiết để người nghe thấm hết thông điệp của bạn. Từ đó cộng hưởng với bạn tốt hơn. Bạn nói điều gì đó quan trọng, sau đó im lặng một chút. Chắc chắn những gì bạn nói sẽ được khếch đại.

2.2. Khoảng lặng giúp khán giả suy ngẫm, thao tác cùng bạn

Có những bài thuyết trình yêu cầu khán giả thực hiện một vài thao tác, suy nghĩ và ghi ra một vài điều nào đó. Hiển nhiên rằng diễn giả phải dành một thời gian nhất định, một không gian im lặng nhất định để họ tập trung cho suy nghĩ.

Lúc này, im lặng phát huy tốt lợi thế của mình, kích thích khán giả tương tác, có những trải nghiệm đáng nhớ cùng bạn. Điều này giúp cho người nghe hứng thú với chủ đề của bạn hơn.

Tôi thực sự đã gặp nhiều trường hợp yêu cầu người nghe suy nghĩ và thao tác cá nhân nhưng lại luôn nói mà không có bất cứ khoảng lặng nào. Việc đó làm tôi không thể nào tập trung và cảm thấy rất khó chịu. Thậm chí tôi đã không thực hiện yêu cầu của họ.

2.3. Khoảng lặng trong thuyết trình là thời gian để tạo hiệu ứng kịch tính hoặc lắng đọng cảm xúc

Nhiều bài thuyết trình sử dụng những câu chuyện, hình ảnh, video để tạo hiệu ứng, hỗ trợ trực quan. Có thể sau khi nghe, xem những câu chuyện, hình ảnh hay đoạn phim đó, cảm xúc vui, buồn, tức giận, xót xa, hụt hững…. sẽ diễn ra ở mỗi người nghe. Việc của bạn là hãy dành ra một chút khoảng lặng để khán giả đắm chìm, lắng đọng, thăng hoa vào những cảm xúc đó. Đừng ngắt quãng cảm xúc của họ.

Nhưng hãy đảm bảo rằng tất cả những điều trên đều nằm trong kế hoạch của bạn.

2.4. Giúp bạn có thời gian kiểm soát bài nói, tránh những từ lấp chỗ trống

Việc nói nhiều, nói liên tục sẽ khiến bạn khó kiểm soát được tốc độ nói, không định hình được bài nói. Nên khi dừng lại vài giây giúp bạn điều hòa hơi thở, kiểm soát tốc độ theo đúng kế hoạch.

Hơn nữa, nếu nói nhanh, nói liên tục, không có những khoảng dừng lại, chắc chắn bạn sẽ thêm vào một vài từ lấp đầy như à, ừm… Đây là một điều nên tránh khi thuyết trình để tạo nên sự chuyên nghiệp cho bạn.

2.5. Thể hiện sự tự tin và uy quyền

Bạn có theo dõi những bài thuyết trình của các chính trị gia? Họ thật sự uy quyền.

Và bạn có để ý rằng họ luôn tạo ra những khoảng lặng trong bài nói của mình. Với việc bạn tạm dừng vài giây, hay những khoảng im lặng có chủ đích sẽ thể hiện bạn không vội vã, ồ ạt. Bạn biết khi nào nói nhanh, nói chậm; khi nào nói to, khi nào im lặng.

Im lặng là chìa khóa để bạn có được phong thái đĩnh đạc, tự tin và đầy uy quyền.

Thể hiện sự tự tin và uy quyền khi tạo khoảng lặng trong thuyết trình

3. Làm thế nào để tạo khoảng lặng trong thuyết trình hiệu quả?

3.1. Lập kế hoạch để tạo những khoảng lặng

Để không bị động, chắc chắn bạn phải lập kế hoạch cho những khoảng im lặng của mình. Bạn cần cần cân nhắc và lựa chọn thời điểm và thời gian tạo khoảng lặng phù hợp với đối tượng khán giả và nội dung chủ đề.

Biết được nên im lặng khi nào trong thuyết trình là một kĩ năng quan trọng giúp bạn thu hút và kết nối tốt hơn với khán giả. Sau đây là một vài gợi ý cho bạn về thời điểm im lặng mà tôi thường áp dụng.

Bạn có thể tham khảo:

Trước khi bắt đầu bài thuyết trình: Đây là thời điểm mà nếu im lặng sẽ tạo được sự chú ý và tạo sự mong đợi ở khán giả. Nhưng nên nhớ rằng không nên im lặng quá lâu, khán giả mất kiên nhẫn. Hãy bắt đầu với phong thái tự tin và duy trì giao tiếp bằng mắt với họ.

Sau một ý bạn muốn nhấn mạnh: Tạo khoảng lặng lúc này, giúp khán giả tiếp thu tốt và ghi nhớ những gì bạn muốn.

Sau câu hỏi tu từ: Điều này giúp khán giả tập trung về câu hỏi mà bạn muốn họ suy ngẫm

Khi bạn yêu cầu họ xử lí hoặc tương tác điều gì: Khoảng lặng lúc này giúp người nghe tập trung thực hiện yêu cầu của bạn một cách tốt nhất.

Sau những thời điểm kích thích hiệu ứng hoặc cảm xúc ở khán giả: Đây là thời điểm giúp khán giả thăng hoa, đắm chìm trong cảm xúc mà bạn tạo ra

Trước khi bắt đầu chuyển sang vấn đề khác: Việc bạn im lặng một chút cũng báo hiệu sự thay đổi cho khán giả và giúp họ chuyển hướng tinh thần.

3.2. Sử dụng giao tiếp phi ngôn ngữ khi im lặng

Khi im lặng không có nghĩa là bạn không giao tiếp với khán giả. Bạn vẫn tiếp tục, thậm chí thực hiện tốt hơn các giao tiếp phi ngôn ngữ. Có một số điều bạn cần chú ý như sau:

Giao tiếp bằng mắt: Cần được duy trì. Bạn không nói nhưng vẫn quan sát, ánh mắt cương nghị, tự tin thể hiện tốt phong thái của bạn.

Chú ý hơi thở: Khi bạn im lặng, khán giả có thể nghe thấy hơi thở của bạn. Nếu không tự tin, căng thẳng, lo lắng, người nghe sẽ nhanh chóng nhận thấy qua hơi thở đó. Do vậy, bạn cần hít thở sâu, điều hòa hơi thở của mình. Nếu khoảng thời gian im lặng kéo dài, hoặc cần sự im lặng tuyệt đối, bạn nên để micro ra xa miệng một chút.

Sử dụng nét mặt để bổ trợ cho nội dung đang trình bày. Đó có thể là những cảm xúc mà bạn muốn truyền tải đến khán giả.

Cử chỉ, tư thế: Hãy giữ cơ thể bạn ở tư thế thẳng, thoải mái. Tùy vào nội dung, ý chính, mục đích nhấn mạnh ý để sử dụng các cử chỉ cho phù hợp, linh hoạt.

3.3. Không lạm dụng khoảng lặng trong thuyết trình

Dẫu biết tạo những khoảng lặng trong thuyết trình đúng nơi, đúng thời điểm sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực. Nhưng không phải vì thế mà bạn lạm dụng sự im lặng đó. Cái gì tốt, nhưng nhiều quá sẽ trở thành không tốt. Thậm chí xảy ra những phản ứng ngược lại. Có thể sẽ tạo ra sự không thoải mái hay khó chịu cho khán giả.

Tôi nghĩ rằng, trong một bài thuyết trình, bạn chỉ nên tạo 3 khoảng lặng trở lại mà thôi. Bạn cần cân nhắc và lên kế hoạch kĩ cho việc này để bài thuyết trình hiệu quả hơn.

3.4. Luyện tập là điều không thể thiếu

Tất nhiên, để trình bày một bài thuyết trình trôi chảy, bạn cần thực hành nó nhiều lần. Trong đó, đối với các khoảng lặng, bạn nên thử xem chính bạn có thấy thoải mái với khoảng thời gian đó hay không. Luyện tập nhiều lần bạn sẽ nhận ra như thế nào là phù hợp cho chính bạn và cho khán giả.

Luyện tập còn giúp định lượng được rằng sẽ tiêu tốn bao nhiêu thời gian cho mỗi khoảng lặng bạn tạo ra cho bài thuyết trình của mình. Và chắc chắn rằng, khi luyện tập nhiều, mọi thứ trong bài thuyết trình diễn ra mượt mà. Đồng thời giúp bạn trình bày tự nhiên, tự tin hơn rất nhiều.

Trong vô vàn những yếu tố để làm nên sự thành công của một bài thuyết trình thì việc tạo khoảng lặng chỉ là một mẹo nhỏ. Tuy nhiên, góp gió thành bão. Nếu bạn biết gom góp, làm tốt từng yếu tố nhỏ nhất, bài thuyết trình của bạn sẽ trở nên thật chuyên nghiệp và đáng nhớ.

Chúc bạn thành công với bài thuyết trình sắp tới của mình. Nếu có thể, hãy thử tạo ra một vài khoảng lặng. Biết đâu, buổi trình bày sẽ thú vị và có nhiều bất ngờ đấy.

Nếu có bất kì câu hỏi nào, hãy để lại bình luận ở dưới. Tôi và cộng sự sẽ trả lời bạn trong thời gian sớm nhất.

Phan Thanh Dũng
Phan Thanh Dũng

Bác Sỹ Thuyết Trình - Người đã tìm ra "long mạch thuyết trình"

  • Hey Bạn, tên tôi là Phan Thanh Dũng. Tôi đam mê giúp người khác tự tin hơn nhờ chinh phục kỹ năng thuyết trình để tự tin nói chuyện trước đám đông, trước camera ống kính và người lạ.
  • Giáo trình đào tạo của tôi không hướng người học đến việc làm MC như các chuyên gia khác, nội dung mà tôi đào tạo là giúp người học chinh phục kỹ năng thuyết trình để ứng dụng vào trong công việc, giao tiếp đời thường và bán hàng chứ không phải MC sự kiện hay đứng sân khấu.
  • Tôi tập trung vào yếu tố cốt lõi “giúp học viên từ gốc” đó là giúp họ bước đầu giải phóng ngôn từ sau đó là điễn đạt một cách lưu loát, súc tích, thuyết phục rồi mới đến việc học các kỹ thuật thuyết trình để thu hút hơn.
  • Tôi vô cùng tự hào giới thiệu đến bạn lộ trình Siêu Diễn Đạt 4.0 , hành trình biến ước mơ của bạn thành sự thật.

Viết một bình luận

Tôi đã dành hơn 2 năm nghiêm túc tìm kiếm “Long Mạch Thuyết Trình”  để chinh phục kỹ năng thuyết trình. Tôi đã tìm ra cách thức “mới” phá vỡ các cách luyện tập truyền miệng “không hiệu quả” ngoài kia như đọc thêm sách, luyện nói trước gương…

Từ năm 2019 đến nay, tôi đã tổ chức hơn 140+ lớp học miễn phí với hơn 50.000+ đăng ký tham gia nhằm chia sẻ “Long Mạch Thuyết Trình” đến với cộng đồng.

Hiện nay tôi cực kỳ tự hào vì mình đã hệ thống hóa được trong tay lộ trình luyện tập qua online siêu hiệu quả giúp những ai thật sự muốn chinh phục kỹ năng thuyết trình dù người đó bận 18 tiếng một ngày, đó là “Siêu Diễn Đạt 4.0