3 là một con số đặc biệt và thú vị. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ của người Việt, con số 3 xuất hiện khá nhiều: quá tam ba bận. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời; một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao; cờ ba cuộc, thuốc ba thang…. Rất nhiều diễn giả, chuyên gia nổi tiếng sử dụng quy tắc 3 trong thuyết trình. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đoạn mở đầu Tuyên Ngôn Độc Lập đã viết “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. CEO Apple Steve Jobs giới thiệu iPad 2, máy tính bảng “nhanh hơn, mỏng hơn và nhẹ hơn”….
Sự thật là trong đời sống hàng ngày chúng ta vẫn thường áp dụng quy tắc 3. Nhưng việc sử dụng này thường ngẫu nhiên, tự nhiên chứ không hề được sắp xếp và có chủ đích. Quy tắc 3 rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống. Đặc biệt nó có sức mạnh kì diệu trong giao tiếp và thuyết trình.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo giao tiếp, sứ mệnh của tôi là giúp mọi người giao tiếp tốt hơn, cuộc sống thăng hoa hơn. Do vậy tôi luôn mong muốn được chia sẻ càng nhiều càng tốt những hiểu biết và kinh nghiệm của mình đến mọi người. Bài viết này tôi sẽ hướng dẫn bạn cách áp dụng quy tắc 3 vào bài thuyết trình của mình sao cho hiệu quả nhất.
1. Quy tắc 3 trong thuyết trình là gì?
Quy tắc 3 chỉ ra rằng bạn trình bày thông tin theo nhóm 3. Bởi vì đây là lượng thông tin vừa đủ để bộ não xử lí và ghi nhớ kịp thời.
Quy tắc 3 trong thuyết trình có nghĩa là nên lựa chọn 3 ý, nội dung hoặc 3 điểm chính. Để biến nó thành cấu trúc của bài thuyết trình hoặc thông điệp muốn truyền tải đến khán giả. Quy tắc 3 còn được áp dụng để bạn xây dựng hệ thống luận điểm cho bài trình bày. Nó còn có thể cho hiệu ứng tốt khi bạn liệt kê, nêu ví dụ, xây dựng bản trình chiếu…
2. Tại sao cần sử dụng quy tắc 3 trong thuyết trình
Nhiều nghiên cứu cho rằng bộ não của chúng ta sẽ phân tích, hiểu và ghi nhớ tốt hơn với dữ liệu là bộ số 3. Con người thích nghi cả về thần kinh và văn hóa với con số 3 vì sự ngắn gọn và kết hợp nhịp điệu của nó.
Rõ ràng, 3 là một con số vừa đủ. Đủ ngắn để ghi nhớ nội dung. Đủ dài để trình bày hết những điều muốn nói.
Sử dụng quy tắc 3 có thể thực sự hữu ích khi tạo bài phát biểu hoặc bản trình bày của bạn. Nó không chỉ cung cấp một cấu trúc và khuôn khổ vững chắc mà còn giúp bạn tập trung tâm trí vào những điểm quan trọng nhất mà bạn muốn thực hiện, đồng thời cho phép bạn sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ và có tác động.
Tôi có thể liệt kê ra một số lí do bạn nên sử dụng quy tắc 3 trong các bài thuyết trình của mình:
– Giúp bạn biết cân nhắc, lựa chọn và sắp xếp nội dung trình bày vừa đủ, ngắn gọn.
– Khiến việc tiếp thu của khán giả dễ dàng hơn, từ đó giúp cải thiện và nâng cao khả năng ghi nhớ.
– Quy tắc 3 trong thuyết trình còn biến những thông tin phức tạp trở nên đơn giản hơn. Chẳng hạn với một nội dung dài, khó hiểu, bạn chia nó thành 3 đoạn, hoặc tóm gọn thành 3 ý sẽ khiến khán giả dễ hình dung hơn.
– Giúp bài thuyết trình của bạn rõ ràng, có cấu trúc và thuyết phục. Bởi khi áp dụng quy tắc 3, bạn có thể đưa ra 3 ví dụ, dẫn chứng để làm rõ điều muốn nói.
– Áp dụng quy tắc 3 còn giúp bài thuyết trình làm rõ được chủ đề. Bởi vì một chủ đề, bạn sẽ triển khai thành 3 luận điểm với 3 phần cùng 3 ví dụ.
– Cuối cùng, quy tắc 3 còn giúp từng câu, từng đoạn trong bài thuyết trình trở nên sinh động, có nhịp điệu nhờ tạo được các cụm từ liệt kê, trùng điệp. Chẳng hạn: học, học nữa, học mãi.
3. Cách áp dụng quy tắc 3 trong thuyết trình
Quy tắc 3 trong thuyết trình được xem là một kĩ thuật lựa chọn sắp xếp và cấu trúc thông tin làm sao để khán giả dễ hiểu, dễ hình dung và dễ ghi nhớ. Vậy, áp dụng khi nào, như thế nào, bằng cách nào vào bài thuyết trình?
Thực ra, nếu để ý, bạn sẽ thấy mình đã áp dụng quy tắc 3 trong các bài viết ngay cả khi đang học ở nhà trường. Trong tất cả những bài làm văn mà bạn được học, được làm. Giáo viên hướng dẫn viết một bài văn có cấu trúc 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài. Đây chính là quy tắc 3 áp dụng vào cấu trúc bài viết đơn giản, cơ bản nhất.
Không chỉ có vậy, quy tắc 3 có thể sử dụng trong toàn bộ bài thuyết trình của bạn.
3.1. Áp dụng quy tắc 3 để sắp xếp luận điểm
Một bài thuyết trình với thời gian tối đa 20 phút, thông thường bạn nên triển khai chủ đề với 3 luận điểm là vừa đủ để làm rõ được chủ đề.
Do khán giả có thể chỉ nhớ được 3 điều quan trọng từ bài trình bày của bạn, nên bạn cần phải có sự tính toán và lên kế hoạch. Bạn cần phải suy nghĩ và lựa chọn 3 thông điệp mà bạn muốn truyền tải đến khán giả để triển khai thành 3 luận điểm. Bằng mọi cách phải giữ sự thông suốt và nhất quán về 3 thông điệp này xuyên suốt bài thuyết trình.
3.2. Sử dụng quy tắc 3 để đưa ra các ví dụ, bằng chứng làm rõ luận điểm
Lập luận của bạn sẽ trở nên vững chắc và thuyết phục hơn nhờ hệ thống các ví dụ và dẫn chứng.
Nếu được hãy đưa 3 ví dụ minh họa hoặc dẫn chứng cho mỗi luận điểm. Đây là cách làm rõ nhất cho mỗi nội dung bạn muốn khán giả ghi nhớ.
3.3. Áp dụng quy tắc 3 đối với từ ngữ trong câu
Khi viết bài phát biểu và chuẩn bị những gì bạn sẽ nói, hãy cố gắng định hình ngôn ngữ của bạn theo quy tắc số 3. Có thể bằng cách sử dụng 3 tính từ để mô tả sản phẩm, 3 từ để tạo một cụm từ hoặc khẩu hiệu dễ nhớ hoặc sử dụng 3 yếu tố để kể câu chuyện của bạn.
Khi bạn sử dụng 3 từ ngữ mạnh mẽ sẽ tạo được điểm nhấn và tác động cho bản trình bày. Đây là cách liệt kê và tạo được nhịp điệu cho câu văn của bạn. Khán giả có xu hướng ghi nhớ những từ, cụm từ như vậy.
Trong suốt buổi tham gia nghe CEO Apple Steve Jobs giới thiệu iPad 2, điều đọng lại duy nhất trong khán giả – cũng là thông điệp từ diễn giả đó là “mỏng hơn, nhẹ hơn, nhanh hơn”.
Bạn thấy đấy, với 3 tính từ trên, vị CEO đã biến nó thành một câu cửa miệng của mỗi khán giả. Và tất nhiên rằng, cả bài thuyết trình, ông cũng chỉ đi làm rõ 3 luận điểm trên mà thôi.
3.4. Sử dụng quy tắc 3 để sắp xếp phần kết luận trong thuyết trình
Phần kết luận trong các bài thuyết trình là phần chốt lại những gì khán giả cần nhớ và kêu gọi hành động từ họ. Do vậy, khi áp dụng quy tắc 3 cho phần này sẽ giúp bạn đi đúng hướng, kết luận lại đúng thông điệp. Từ đó giúp khán giả nhanh chóng định hình và ghi nhớ 3 nội dung quan trọng nhất.
Lời kết quy tắc 3 trong thuyết trình
Mặc dù quy tắc 3 rất hữu ích trong bài thuyết trình nhưng nó không phải là quy tắc cứng. Không phải khi nào cũng là 3. Bạn có thể sử dụng nhiều hơn 3 luận điểm, ít hơn 3 ví dụ, dẫn chứng…. Tất cả là sự linh động cho phù hợp với chủ đề và đối tượng giao tiếp, thuyết trình của bạn.
Quy tắc 3 chỉ là một gợi ý để bài thuyết trình của bạn trở nên đáng nhớ hơn mà thôi. Nó chỉ là một yếu tố trong rất nhiều mắt xích để tạo nên tổng thể một bài thuyết trình thu hút, hiệu quả và thành công.
Nhưng tôi khuyên rằng, bạn nên sử dụng ít nhất một vài quy tắc 3 trong bài thuyết trình của mình. Bởi nó sẽ khiến khán giả ghi nhớ tốt hơn rất nhiều.
Hi vọng, với những hiểu biết và kinh nghiệm của tôi về quy tắc 3 sẽ giúp bạn có một phần trình bày đáng nhớ. Nếu bạn muốn cải thiện kĩ năng giao tiếp của mình, có thể tham gia ngay lớp học Miễn Phí của tôi. Bởi vì tôi luôn tâm niệm giúp mọi người giao tiếp tốt cho cuộc sống thăng hoa.
Nếu có bất kì câu hỏi nào hãy để lại bình luận ở dưới. Tôi sẽ trả lời bạn trong thời gian sớm nhất.
Rất mong được đồng hành cùng bạn!
1 thought on “Sức mạnh diệu kì của quy tắc 3 trong thuyết trình”
Rất hay ạ