Bạn đang ấp ủ dự định kinh doanh nhưng vẫn đang băn khoăn không biết mình phải làm như thế nào? Bạn muốn tìm hiểu về nhu cầu cũng như thị hiếu khách hàng nhưng cũng không biết phải làm sao? Tôi sẽ mang đến cho bạn những kế hoạch, hướng đi cụ thể để bạn hoạch định được chiến lược cho riêng mình. Và chúng ta sẽ đến với bước đầu tiên trong kế hoạch này. Đó chính là nghiên cứu thị trường.
1. Nghiên cứu thị trường là gì?
Nghiên cứu thị trường, còn được gọi là nghiên cứu tiếp thị. Đó là quá trình xác định khả năng tồn tại của một dịch vụ hoặc sản phẩm mới thông qua nghiên cứu được thực hiện trực tiếp với khách hàng tiềm năng. Nghiên cứu thị trường cho phép một công ty khám phá thị trường mục tiêu. Đồng thời lấy ý kiến cũng như phản hồi khác từ người tiêu dùng về sự quan tâm của họ đối với sản phẩm hoặc dịch vụ.
Ví dụ: bạn đang bán sản phẩm hỗ trợ giảm cân. Muốn bán được hàng bạn phải xác định được tệp khách hàng mà bạn hướng tới. Cũng như quan sát nhu cầu, thị hiếu khách hàng. Bạn không thể bán hàng cho những người gầy gò, ốm yếu cũng như những người không có nhu cầu. Vậy để làm sao bạn biết những điều đó, tất nhiên là bạn phải thực hiện nghiên cứu thị trường.
2. Tại sao phải nghiên cứu thị trường?
Hiện nay doanh nghiệp, nhà bán hàng mọc lên nhan nhản. Bạn phải vừa bán hàng vừa cạnh tranh với những người bán khác. Tiến hành nghiên cứu sẽ giúp bạn có được:
Thông tin về giá trị của sản phẩm hiện có cũng như sản phẩm mới của công ty để đưa ra kế hoạch, chiến lược cho phù hợp.
Bạn sẽ biết được nhu cầu cũng như thị hiếu của khách hàng. Khách hàng là thượng đế, câu nói quen thuộc mà bạn từng nghe rất nhiều lần. Nó là chiến lược marketing mà đa số công ty đều hướng tới. Vì khi lấy khách hàng làm trung tâm bạn sẽ hiểu được nhu cầu của người mua. Điều đó giúp bạn thiết kế sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp nhất với khách hàng.
Nghiên cứu thị trường cũng giúp bạn dự báo được số lượng sản phẩm sẽ được sản xuất. Nhờ đó hạn chế được tình trạng tồn kho.
Tạo ra lợi thế cạnh tranh
Để đi trước đối thủ cạnh tranh, nghiên cứu thị trường là một công cụ quan trọng để thực hiện các nghiên cứu so sánh. Bạn có thể đưa ra các chiến lược kinh doanh có thể giúp bạn vượt lên trên các đối thủ.
Đầu tư kinh doanh hiệu quả. Đây là một khoản đầu tư tuyệt vời cho bạn. Vì nhờ nó mà bạn có được thông tin vô giá. Nó chỉ cho bạn con đường để đi đúng hướng và đạt được doanh số bán hàng cần thiết.
Nếu không thực hiện nghiên cứu, bạn chỉ có thể dựa trên những quyết định cảm tính. Thương trường là chiến trường. Bạn ở đây để phục vụ khách hàng chứ không phải là thỏa mãn những sở thích cá nhân. Việc nghiên cứu thị trường sẽ giúp đảm bảo các quyết định của bạn được định hướng sâu sắc hơn.
3. Các loại nghiên cứu thị trường
Mặc dù có nhiều loại nghiên cứu thị trường. Nhưng theo tôi, tất cả các phương pháp có thể được sắp xếp thành một trong hai loại: sơ cấp và thứ cấp.
3.1. Nghiên cứu thị trường sơ cấp
Nghiên cứu thông tin sơ cấp là dữ liệu mà công ty đã thu thập trực tiếp. Hoặc được thu thập bởi một người hay doanh nghiệp được thuê để tiến hành nghiên cứu. Nó sẽ có các dạng sau:
a. Khảo sát
Khảo sát là một hình thức nghiên cứu định tính. Hỏi người trả lời một loạt câu hỏi mở hoặc câu hỏi đóng. Có thể được gửi dưới dạng bảng câu hỏi trên màn hình hoặc qua email.
Hình thức này được sử dụng rất phổ biến hiện nay. Minh chứng rõ ràng đó là khi xem Youtube và bạn thấy những câu hỏi khảo sát hiện lên trên màn hình. Hoặc ở siêu thị, tại một gian hàng nào đó, bạn được trải nghiệm dùng thử sản phẩm và nhân viên sẽ phát cho bạn tờ khảo sát. Bạn có thể xem thêm một số mẫu khảo sát tại đây
Điều gì làm cho nó trở nên phổ biến? Đó là do hình thức vừa dễ thực hiện lại ít tốn kém, mang lại hiệu quả nhanh chóng. Ngoài ra, dữ liệu khá dễ phân tích. Ngay cả khi bạn phải phân tích các câu hỏi mở mà câu trả lời ban đầu có vẻ khó phân loại.
b. Phỏng vấn
Đây là phương pháp liên quan đến sự tương tác cá nhân. Trong đó nhà nghiên cứu đặt một loạt câu hỏi để thu thập thông tin hoặc dữ liệu từ người trả lời. Các câu hỏi chủ yếu là câu hỏi mở và được đặt ra để tạo điều kiện cho các câu trả lời. Phương pháp này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng và kinh nghiệm của người phỏng vấn để đặt câu hỏi gợi lên câu trả lời.
Ví dụ: nếu bạn có xem tiktok bạn sẽ thấy hình thức này được sử dụng nhiều. Từ việc phỏng vấn các bạn sinh viên về trình độ tiếng anh, kiến thức lịch sử hay chỉ đơn giản là những vấn đề trong cuộc sống… ngay lúc đó bạn sẽ thu thập được nội dung của mình.
c. Nhóm tập trung
Các nhóm tập trung cung cấp cho bạn một số người được lựa chọn cẩn thận mà họ có thể dùng thử sản phẩm của bạn. Hoặc xem bản trình diễn, cung cấp phản hồi hay trả lời các câu hỏi cụ thể.
Tuy nhiên hình thức này lại khá tốn kém và mang lại nhiều rủi ro. Nếu bạn đi chệch hướng, nghiên cứu của bạn có thể trở thành nạn nhân của đủ loại sai sót.
Ví dụ: bạn đang đứng chổ quầy trái cây và có rất nhiều người xung quanh. Một người nói quả cam này ngọt, thì tất nhiên theo hiệu ứng đám đông sẽ kéo theo nhiều người mua.
Đó là điều tôi muốn nói ở đây vì hình thức nhóm tập trung cũng sẽ chịu sự chi phối như vậy. Khi một người tham gia có xu hướng thống trị mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng đến nhóm. Hoặc khi tính cách người điều hành khác nhau mang lại kết quả khác nhau trong cùng một nghiên cứu.
d. Quan sát
Đây là hình thức ít tốn kém và mang lại hiệu quả khá cao. Nó sẽ cho bạn thấy mọi người tương tác với sản phẩm của bạn một cách tự nhiên mà không ảnh hưởng lẫn nhau. Nhược điểm duy nhất là bạn không thể hiểu được suy nghĩ của họ. Vì vậy việc quan sát không thể thay thế cho các cuộc khảo sát và phỏng vấn khách hàng.
Ví dụ: Trong các cuộc thi hoa hậu. Không phải chờ đến vòng chung kết mới có kết quả. Mà kết quả đã có ngay trong quá trình cuộc thi diễn ra. Từ cách ứng xử hằng ngày đến hành động hay những câu chuyện truyền cảm hứng mà thí sinh mang lại. Ban Giám khảo đã có kết quả cho cuộc thi nhờ quan sát những điều đó.
3.2. Nghiên cứu thị trường thứ cấp
Đây là dạng nghiên cứu dữ liệu mà một thực thể bên ngoài đã thu thập được. Đặc biệt nó có thể được thực hiện từ nhiều nơi khác nhau. Một số dữ liệu được truy cập hoàn toàn miễn phí. Những thông tin khác có thể tiêu tốn rất nhiều tiền. Nguồn thứ cấp sử dụng như sau:
Nguồn công khai
Những nguồn này có thể truy cập được đối với bất kỳ ai yêu cầu chúng. Chúng bao gồm dữ liệu điều tra dân số, thống kê thị trường, danh mục thư viện, thư viện trường đại học… Các tổ chức khác đôi khi cũng có thể đưa ra dữ liệu miễn phí với mục tiêu thúc đẩy một nguyên nhân nào đó hoặc thu hút sự chú ý của mọi người.
Nguồn nội bộ
Đôi khi các nguồn dữ liệu có giá trị nhất đã tồn tại ở đâu đó trong tổ chức của bạn. Các nguồn nội bộ có thể thích hợp hơn cho nghiên cứu thứ cấp do giá của chúng và những phát hiện độc đáo. Do đối thủ cạnh tranh không thể truy cập các nguồn nội bộ nên việc sử dụng chúng có thể mang lại lợi thế cạnh tranh khác biệt.
Các nguồn thương mại
Nếu bạn có kinh phí, cách dễ nhất để có được nghiên cứu thị trường thứ cấp là chỉ cần mua nó từ các công ty tư nhân. Nhiều tổ chức tồn tại với mục đích duy nhất là nghiên cứu thị trường và có thể cung cấp các báo cáo chuyên sâu, đáng tin cậy về ngành cụ thể.
Bất kể nghiên cứu của bạn đến từ đâu, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng nguồn đó có uy tín và đáng tin cậy. Điều này giúp bạn có thể tin tưởng vào kết luận mà bạn rút ra từ đó.
4. Cách thức tiến hành
Bước 1: xác định mục tiêu nghiên cứu
Khi bạn làm bất cứ điều gì cũng phải xác định mục tiêu rõ ràng. Có như vậy bạn mới có thể hoàn thành kế hoạch của mình.
Trong tiến hành nghiên cứu thị trường cũng vậy. Có một chủ đề nghiên cứu được xác định rõ ràng sẽ giúp bạn định hướng được đường đi của mình khi đặt câu hỏi.
Những câu hỏi này cần được hướng đến giải quyết vấn đề. Và phải được điều chỉnh cho phù hợp với dự án. Đảm bảo các câu hỏi được viết rõ ràng và người trả lời hiểu chúng. Bạn có thể tiến hành một bài kiểm tra với một nhóm nhỏ. Mục đích là để biết liệu các câu hỏi được hỏi có dễ hiểu hay không. Và liệu chúng có đủ để đạt được kết quả sâu sắc hay không.
Các mục tiêu nghiên cứu nên được viết một cách chính xác. Và nên bao gồm một mô tả ngắn gọn về thông tin cần thiết, cách thức để có được thông tin đó. Vì sao bạn thực hiện nghiên cứu? là câu hỏi bạn nên trả lời đầu tiên.
Những chủ đề mà bạn có thể thực hiện: tính năng sản phẩm, nhu cầu khách hàng, đối thủ cạnh tranh, ra mắt sản phẩm mới, trải nghiệm khách hàng…
Chắc hẳn bạn biết đến video “Đi để trở về” của Soobin Hoàng Sơn? Đây là chiến dịch đã tạo tiếng vang rất lớn cho Biti’s trong cuộc chiến truyền thông Tết, vốn chỉ dành cho những thương hiệu lớn. Chiến dịch này có 2 mùa và cả 2 đều đã đạt được những thành công nhất định. Nhờ đó, Biti’s ngày càng khẳng định hình ảnh của thương hiệu con – Biti’s Hunter trong tâm trí người tiêu dùng.
Bước 2: xác định đối tượng đưa vào nghiên cứu thị trường
Nghiên cứu thị trường là một quá trình tốn kém. Do đó bạn không thể lãng phí nguồn lực để thu thập dữ liệu không cần thiết. Bạn nên quyết định trước loại người tiêu dùng nào sẽ được đưa vào nghiên cứu và cách thức thu thập dữ liệu.
Hãy lưu ý rằng nhiều khi sẽ có trường hợp thiên vị trong mẫu. Vì sẽ luôn có những người không trả lời khảo sát, bởi họ bận hoặc trả lời không đầy đủ. Cho nên, bạn có thể không thu được dữ liệu cần thiết.
Về kích thước của mẫu, mẫu càng lớn thì càng có nhiều khả năng là đại diện cho dân số. Một mẫu đại diện lớn hơn giúp bạn chắc chắn hơn rằng những người được đưa vào là những người bạn cần và bạn có thể giảm bớt sự thiên vị. Do đó, nếu bạn muốn tránh sự thiếu chính xác trong các cuộc khảo sát bạn nên cân đối mẫu đại diện.
Bạn cũng nên tính đến xác suất lỗi thống kê hoặc sai lệch lấy mẫu.
Bước 3: thu thập dữ liệu
Nếu hai bước đầu tiên bạn đã thực hiện chính xác thì bước này sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Bạn sẽ thu thập kết quả nghiên cứu. Theo dõi độ tuổi, giới tính và các dữ liệu liên quan khác của từng người trả lời.
Sau đó phân tích trong một báo cáo tiếp thị giải thích kết quả nghiên cứu mà bạn đã thực hiện.
Bước 4: phân tích và báo cáo kết quả
Mỗi điểm của quá trình nghiên cứu thị trường được liên kết với nhau. Nếu tất cả những điều trên được thực hiện tốt, nhưng không có phân tích chính xác về kết quả, thì các quyết định đưa ra theo đó sẽ không phù hợp.
Phân tích chuyên sâu được tiến hành mà không bỏ sót chi tiết nào sẽ có hiệu quả trong việc đạt được các giải pháp. Phân tích dữ liệu sẽ được ghi lại trong một báo cáo. Báo cáo này cũng cần được viết rõ ràng để có thể đưa ra các quyết định hiệu quả trên cơ sở đó.
Khi trình bày kết quả, bạn nên tập trung vào: bạn muốn đạt được điều gì khi sử dụng báo cáo nghiên cứu này.
Bước 5: đưa ra quyết định
Đã đến bước cuối cùng. Khi đi đến đây bạn cũng đã có được nhiều thông tin có ích cho quá trình kinh doanh của mình. Từ nhu cầu khách hàng; tiềm năng, lợi thế của sản phẩm; đến đối thủ cạnh tranh… Và việc bây giờ của bạn là đưa ra quyết định và hành động.
5. Kết luận
Trên đây là những hướng dẫn cơ bản nhất của tôi về nghiên cứu thị trường. Và nó cũng chỉ là những kiến thức đơn thuần nhất về việc nghiên cứu. Hi vọng nó sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách thực hiện dự án nghiên cứu thị trường của riêng mình. Từ đó thu thập được những dữ liệu sâu sắc và đưa ra quyết định tốt hơn trong tương lai.
Nếu muốn đưa ra những giải pháp nghiên cứu phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình. Bạn có thể đọc thêm các bài viết cụ thể khác tại đây. Hoặc muốn được tư vấn cụ thể cho từng sản phẩm; Hay đưa ra những chiến lược tối ưu, bạn hãy đặt lịch tư vấn miễn phí với tôi. Tôi luốn muốn đồng hành với bạn để tạo ra nhiều giá trị cho cuộc đời.